Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất:
Bắt giữ lô hàng thuốc tân dược nhập lậu trị giá gần 5 tỷ đồng
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, vừa bắt giữ lô hàng khai báo là mặt hàng thuốc tân dược gồm 41 kiện có trọng lượng gần 1 tấn trị giá gần 5 tỷ đồng, quá cảnh đi Cambodia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới Việt Nam – Campuchia, nhưng thẩm lậu lại để tiêu thụ trong nước.
Lô hàng do Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, Tp.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975 có hộ khẩu thường trú tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương làm Giám đốc vừa mới hoàn tất thủ tục hải quan cho lô hàng khai báo là mặt hàng thuốc tân dược gồm 41 kiện (gần 500 nghìn viên thuốc đặc trị các loại) có trọng lượng gần 1 tấn trị giá gần 5 tỷ đồng, quá cảnh đi Cambodia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới Việt Nam – Campuchia.
Nhận định đây là chiêu thức của doanh nghiệp nhằm qua mặt lực lượng chức năng nhằm thẩm lậu số hàng trên vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, Chi cục đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thông báo, phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an theo dõi chặt chẽ tuyến đường vận chuyển của lô hàng trên và đã phát hiện chuyến hàng được thẩm lậu ngược vào nội địa rạng sáng ngày 9/5/2017 qua đường mòn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Chi cục đã đồng thời cùng lực lượng công an tiến hành bắt giữ lô hàng có nguồn gốc là hàng quá cảnh trên.
Trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường hàng hóa quá cảnh đi Campuchia để buôn lậu – đây là thủ đọan buôn lậu mới. Cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này, liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, có những vụ đối tượng phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển qua đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.