Bệ đỡ của Việt Nam trước khủng hoảng tiền tệ
Khủng hoảng tiền tệ diễn ra hàng loạt tại các nền kinh tế mới nổi đang đe dọa kinh tế toàn cầu nói chung và những nước đang phát triển nói riêng. Liệu kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào trước hiện trạng trên?
Những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia hay Ấn Độ gần đây phải chứng kiến đồng nội tệ mất giá thảm hại so với đồng đô la Mỹ (USD), dẫn đến nền kinh tế phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng tiền tệ lần này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng này có thể lây lan sang các nền kinh tế mới nổi và cận biên khác, mà Việt Nam cũng có thể nằm trong số này.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lại nền kinh tế của các quốc gia đang bị khủng hoảng hiện nay so với thực trạng của Việt Nam. Thứ nhất, những nước đang diễn ra khủng hoảng có nhiều yếu kém và bất ổn về kinh tế vĩ mô, thứ hai là bị áp lực từ việc dòng vốn nước ngoài tháo chạy, thứ ba là bị ảnh hưởng khá nặng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Ngược lại, kinh tế vĩ mô Việt Nam được cho là vẫn vận hành ổn định.
Cụ thể như tại Argentina, lạm phát của nước này liên tiếp tăng, hiện đã vượt mốc 30%, theo đó lãi suất sau nhiều lần điều chỉnh đã lên tới mức cao nhất trên thế giới: 60%. Rõ ràng với lãi suất ở mức cao kỷ lục như thế thì khó có doanh nghiệp nào chịu nổi, do đó nền kinh tế không bị khủng hoảng mới là đáng ngạc nhiên.
Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, cuối tháng 8 vừa qua chỉ tăng 3,98% so cùng kỳ 2017. Lãi suất cũng được giữ ổn định ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tại Indonesia, tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai nặng nề trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những yếu tố chính khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại, dẫn đến dòng vốn liên tiếp bị rút ròng kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, thâm hụt tài khoản vãng lai của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trong năm 2017 là 1,7% GDP, tuy nhiên theo Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Indonesia dự báo thì năm nay có thể lên tới 2,5% GDP.
Với dòng vốn liên tiếp bị rút ròng và đồng nội tệ mất giá, NHTƯ Indonesia từ đầu năm đến nay phải nhiều lần tăng lãi suất để giữ ổn định giá trị đồng tiền.
Ngược lại, Việt Nam đang duy trì thặng dư tài khoản vãng lai khá tốt khi đạt hơn 8% GDP trong quý I/2018. Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây của Financial Times, mặc dù Việt Nam, Philippines và Indonesia là những nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do có tỷ trọng xuất khẩu cao, nhưng khác với Việt Nam, thâm hụt tài khoản vãng lai ở Philippines và Indonesia đã khiến 2 quốc gia này dễ bị thiệt hại nặng nề hơn nếu xảy ra khủng hoảng về cán cân thanh toán.
Gần đây Việt Nam lại được các hãng xếp hạng định mức tín nhiệm nâng hạng, theo đó giúp chi phí vay vốn cũng như phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) càng có điều kiện giảm xuống mức thấp hơn. Điều này càng giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ vì chính trị bất ổn, mà việc rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại khi bị Tổng thống Trump tăng thuế lên gấp đôi đã khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi nền kinh tế này.
Trong khi đó, Ankara vay ngoại tệ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với dư nợ chiếm tỷ trọng rất lớn so với nền kinh tế, và đặc biệt là NHTƯ nước này gần đây lại bị mất tính độc lập nên không thể thực hiện các biện pháp có thể giảm thiểu khủng hoảng.
Ở Việt Nam, nợ nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP vẫn dưới mức quy định. Gần đây Việt Nam lại được các hãng xếp hạng định mức tín nhiệm nâng hạng, theo đó giúp chi phí vay vốn cũng như phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) càng có điều kiện giảm xuống mức thấp hơn.
Điều này càng giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể rơi vào cuộc chiến thương mại trực tiếp với Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngoài số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 13,5 tỷ USD, trong 8 tháng qua còn có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam chứ không bị rút ra như các nền kinh tế mới nổi khác.
Điều đặc biệt là hiện nay Việt Nam vẫn chưa cho phép tự do hóa tài khoản vốn, theo đó dòng vốn muốn rút ra cũng không phải dễ, do đó giúp nền kinh tế hạn chế khả năng rơi vào tầm ngắm của các cuộc tấn công tiền tệ, mà theo đó những quỹ đầu cơ thường lợi dụng để tấn công hòng làm mất giá đồng nội tệ để thu lợi nhuận cao.