8 tháng năm 2018, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,54%
Tính đến ngày 22/8/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,3%, huy động vốn tăng 8,72%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8.54% so với cuối năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 8 tháng của năm 2018, cơ quan này đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ, điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh để điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
Trên thị trường mở Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo hướng duy trì các phiên chào mua với khối lượng phù hợp và có điều chỉnh tăng trong một số ngày thanh khoản bị thiếu hụt, chào bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong điều kiện tỷ giá có xu hướng tăng, góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát tiền tệ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ với khó khăn của khách hàng vay, đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng.
Tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Tính đến ngày 22/8/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8.3%, huy động vốn tăng 8.72%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8.54% so với cuối năm 2017.
Một số chương trình tín dụng đến thời điểm cuối tháng 7/2018, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.431.171 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017: dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 16.800 khách hàng đang có dư nợ. Ngoài ra, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 182.420 tỷ đồng, tăng 10.630 tỷ đồng so với năm 2017 (tăng 6,19%).
Tại Chỉ thị Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 về tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, Thống đốc NHNN chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Năm nay Ngân hàng Nhà nước không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho hầu hết các tổ chức tín dụng, chỉ trừ trường hợp một số Ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá, phù hợp với cân đối thị trường, cân đối vĩ mô, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ; kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ; Phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg.
Thống đốc cũng yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ...