Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
Thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý…
Mục tiêu hàng đầu là ổn định vĩ mô
Áp lực lạm phát tăng cao, cộng thêm những diễn biến bất lợi từ thị trường thế giới là những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế những tháng cuối năm. Bởi vậy Chính phủ xác định, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Trên cơ sở đó, NHNN cũng đã có những chính sách ứng phó linh hoạt nhằm ổn định thị trường trong nước, đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo đó, chỉ trong tháng 8 NHNN đã ban hành một loạt các văn bản quan trọng mà trọng tâm là Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm. Tại Chỉ thị này, một lần nữa Thống đốc NHNN chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời tạo điều kiện để TCTD cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Đặc biệt, Thống đốc NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Đáng chú ý, năm nay NHNN không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho hầu hết các TCTD, chỉ trừ trường hợp một số NHTM tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Sự nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Trong bối cảnh tỷ giá vẫn đang biến động mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lạm phát trong nước vẫn có nguy cơ tăng cao, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định nền kinh tế vĩ mô. Theo đó NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng là phù hợp với diễn biến thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định.
Một thành viên khác của Hội đồng này là TS. Võ Trí Thành cũng có quan điểm như vậy khi bình luận, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, chúng ta không cần thiết phải cố chạy theo tăng trưởng. “Tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ gắn với ổn định, kiểm soát lạm phát là phù hợp”, TS. Thành cho biết.
Trên thực tế, những tháng đầu năm, NHNN đã rất chủ động điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh để điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Trên thị trường mở NHNN tiếp tục theo hướng duy trì các phiên chào mua với khối lượng phù hợp và có điều chỉnh tăng trong một số ngày thanh khoản bị thiếu hụt, chào báo tín phiếu NHNN với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong điều kiện tỷ giá có xu hướng tăng, góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát tiền tệ.
Việc triển khai đồng bộ các chính sách có tác động tích cực đến diễn biến thị trường tiền tệ. Cung – cầu vốn khá cân đối khi tính đến thời điểm 22/8/2018 huy động vốn tăng 8,72%, còn tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2017. Mặc dù tăng trưởng tín dụng có thấp hơn so với cùng kỳ mấy năm gần đây, song hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cũng như chủ trương kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Đặc biệt, tín dụng tăng trưởng đều đặn qua các tháng đúng như mong muốn của cơ quan quản lý đặt ra từ đầu năm, tránh dồn vốn vào giai đoạn cuối năm gây sức ép lên cung tiền, cũng như đảm bảo dòng vốn lan toả đều vào nền kinh tế qua các tháng.
Hơn nữa, do dòng vốn được tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định, nên dù tín dụng có tăng thấp hơn mọi năm, song vẫn hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý.
“Thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý…”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm.
Quyết liệt nâng cao sức khỏe cho hệ thống
Một kết quả rất đáng ghi nhận trong những tháng đầu năm ngành Ngân hàng là công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vẫn đang được triển khai quyết liệt và toàn diện. Sự quyết tâm sớm có một hệ thống ngân hàng lành mạnh được thể hiện rõ khi cơ quan quản lý tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 1058 thông qua tăng cường kiểm soát tái cơ cấu đối với các TCTD yếu kém, các NHTMCP hình thành sau sáp nhập. Các NHTMCP hoạt động bình thường đang thực hiện cơ cấu lại, xử lý nợ xấu theo phương án được phê duyệt cũng được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống.
Một Hội nghị được Chính phủ đánh giá cao và có ý nghĩa lớn đối với ngành cũng được NHNN tổ chức vào cuối tháng 8 đó là Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và hội nghị chuyên đề về QTDND để đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của các QTDND trên địa bàn 57 tỉnh thành.
Ngay sau Hội nghị, Thống đốc đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện để sớm ban hành các chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 42 nhằm mục tiêu xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản đảm bảo (TSĐB) của các khoản nợ xấu. Tính luỹ kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2018, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 138,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, phát huy vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu; khẩn trương ban hành Chỉ thị về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND nhằm củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống QTDND phát triển bền vững, hoạt động đúng mục tiêu… là những nhiệm vụ trọng tâm mà NHNN yêu cầu các đơn vị chức năng, TCTD phải tập trung triển khai trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội TS Nguyễn Đức Kiên, xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ giúp đẩy nhanh tái cơ cấu. Ngược lại, tái cơ cấu là tiền đề quan trọng đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu.
“Đề án 1058 mang tính định hướng chỉ đạo như cảnh sát giao thông chỉ đường. Còn Nghị quyết 42 là công cụ pháp lý để cảnh sát giao thông phạt và thu giữ xe. Vì vậy, hoạt động tái cơ cấu phải gắn chặt với xử lý nợ xấu”, TS. Kiên lấy hình ảnh ví von.
Tuy nhiên, để đảm bảo Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 42 để mọi người nhận thức rõ đây là công cụ pháp lý hỗ trợ cho hoạt động xử lý nợ xấu phục vụ cho tái cơ cấu của hệ thống, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người cho vay.
Tất cả những nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua cũng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng rõ nét nhất là việc Moodys mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Việt. Chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực, dự trữ ngoại hối tăng cao cũng là một trong những điểm cộng để định chế này nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Việt Nam từ mức B1 lên Ba3.