Berlin lôi kéo các đại gia ngân hàng thế giới sau Brexit

Theo TTXVN

Ông Petra Roth, cựu Thị trưởng Frankfurt (Đức) trong suốt 17 năm, bày tỏ tin tưởng rằng thủ đô Berlin của Đức sẽ vượt qua một loạt thành phố châu Âu để trở thành trung tâm tài chính mới của thế giới sau khi các ngân hàng phải rời Vương quốc Anh do sự kiện Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nếu như các thành phố Dublin, Paris và Frankfurt nhấn mạnh vai trò của mình như các trung tâm tài chính của Lục địa Già và tìm cách thu hút các công ty của Anh, thì thành phố Berlin tập trung vào vai trò trước đây của mình là nơi tạo ra các ngành công nghiệp và các công ty khởi nghiệp. 

Phát biểu ngày 8/6, ông Roth cho rằng Frankfurt có lợi thế so với các đối thủ vì đây là nơi "đóng đô" của một số thể chế quan trọng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng Bundesbank của Đức.

Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh tháng 6/2016 về Brexit, chính quyền thành phố Berlin đã thuê nhiều xe buýt ở London gắn khẩu hiệu: "Hãy bình tĩnh và chuyển đến Berlin."

Các xe buýt này đi qua nhiều khu vực nổi tiếng với giới nghệ sĩ hoặc chủ doanh nghiệp công nghệ ở thành phố này. 

Công ty dịch vụ tài chính "TheCityUK" của Anh ước tính 70.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính có nguy cơ bị biến mất với việc Anh rời EU. 

Giám đốc sàn giao dịch chứng khoán London Xavier Rolet dự báo có tới 270.000 việc làm "bốc hơi" nếu Anh để mất quyền tham gia thanh toán bằng đồng euro, điều mà Pháp đang thúc đẩy. 

Đến nay, các đại gia UBS và Goldman Sachs đều đã thông báo chuyển tổng cộng 2.500 việc làm từ London đến Frankfurt, khiến thành phố của Đức này trở thành ứng cử viên tiềm năng hơn cả Paris (nơi dự kiến có 1.000 việc làm được tái bố trí) và Dublin (150 việc làm). 

Các ngân hàng JP Morgan và Deutsche Bank thông báo sẽ di chuyển 4.000 việc làm của mình, song chưa nói địa điểm sẽ đến.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong giai đoạn hậu Brexit, kinh tế Anh có thể bị thiệt hại khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, và thiệt hại kinh tế của EU là 1%. 

Giới lãnh đạo các ngân hàng quốc tế lớn cảnh báo hoạt động của Trung tâm tài chính London nhiều khả năng sẽ chững lại khi Anh "chia tay" EU. 

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) từng tuyên bố sẽ chuyển hoạt động thanh toán bù trừ bằng đồng euro - một nghiệp vụ ngân hàng mang lại lợi nhuận “vàng” cho London - ra khỏi trung tâm tài chính này.