EU muốn tạo lập trung tâm tài chính mới hậu Brexit
Theo nội dung một văn bản của Liên minh châu Âu (EU), sự kiện Brexit đã buộc EU phải cân nhắc lại Dự án liên minh thị trường vốn (CMU) quan trọng của mình và khẩn trương tìm cách tạo lập một trung tâm tài chính mới thay thế London.
Dự thảo trên của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định “chương trình cải cách CMU cần phải được cập nhật để nền kinh tế chung của 27 nước còn lại có thể ứng phó với các thách thức trong việc tạo lập một thị trường tài chính độc lập hơn”. Dự án CMU được triển khai nhằm khuyến khích các công ty thu hút thêm vốn đầu tư từ thị trường và giảm bớt sự lệ thuộc nặng nề vào các khoản vay vốn ngân hàng.
Văn kiện trên nhận định, mặc dù Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May mong muốn có được thỏa thuận thương mại tự do với EU, bao gồm cả các dịch vụ về tài chính, nhưng khối này lại mong muốn kiến tạo một trung tâm tài chính mới càng giống London càng tốt. Dự thảo trên sẽ được EC thảo luận vào ngày 7/6 trước khi công bố chính thức.
Sự kiện Brexit đã cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo được rằng các công ty của EU vẫn có thể tiếp cận tới các thị trường tài chính lành mạnh. “London lâu nay thường xuyên góp phần vào việc đảm bảo khả năng thanh khoản và đưa ra các dịch vụ quản lý rủi ro cho phần còn lại của EU. Việc Vương quốc Anh rời bỏ thị trường chung châu Âu càng củng cố hơn nữa sự cần thiết và tính cấp bách của việc phát triển và hội nhập sâu hơn của thị trường tài chính EU”, dự thảo có đoạn.
Việc “tái thiết kế sâu” hệ thống tài chính thực sự (tức là tìm ra cách thức kết hợp, dung nạp và bảo đảm tính ổn định bền vững vào nội dung các quy định và khung chính sách tài chính của EU) là cần thiết, và để mở rộng “tầm vươn về mặt địa lý của các thị trường tài chính”.
Ngoài ra, EC thông báo sẽ đưa ra một dự thảo luật trong tháng tới nhằm thắt chặt hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán bằng đồng Euro, vấn đề hiện thời vẫn do London chi phối.
Bản dự thảo đưa ra một loạt các kiến nghị nhằm cải thiện thị trường tài chính của EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư của các cơ quan hay tổ chức, lương hưu và hoạt động niêm yết trên các thị trường chứng khoán.
“Đạo luật các công ty niêm yết nhỏ EU” cũng có thể được đưa ra trong quý II/2018 để giúp khối này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các công ty có ý định niêm yết trên thị trường. Cũng có thể có một dự thảo luật khác đề xuất thành lập một quy chế chung của EU nhằm kiểm soát, quản lý các trái phiếu, dự kiến sẽ được đưa ra trong quý I/2018.