BHXH TP. Đà Nẵng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số

Theo Minh Trang/baochinhphu.vn

Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói chung và ngành BHXH TP. Đà Nẵng đã tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp và ngay chính cơ quan BHXH.

Người dân đến làm thủ tục tại BHXH Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang
Người dân đến làm thủ tục tại BHXH Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Công nghệ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Ngoài việc tích hợp các phần mềm nghiệp vụ cũng như công bố các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, BHXH TP. Đà Nẵng còn phối hợp với ngân hàng để tạo nên một hệ thống thanh toán điện tử hóa quá trình thu-chi, cung cấp những tiện ích để đa phương tiện, cũng như đa kênh thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Anh Huỳnh Đức Nguyên (người lao động tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), chia sẻ: “Từ đầu năm 2021, chúng tôi đã tải và sử dụng phần mềm VssID. Nhờ sử dụng phần mềm này, tôi có thể theo dõi quá trình đóng bảo hiểm của mình và kiểm tra cả lộ trình mình đóng trước đây và trong tương lai.

Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 này, tôi đã truy xuất được thông tin đóng bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, có căn cứ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ. Tôi cũng có thể cài đặt thông tin cho con cái đang độ tuổi đi học, từ đó rất thuận tiện khi đi khám chữa bệnh, không cần mang theo giấy tờ như trước đây”.

Theo thống kê của BHXH TP. Đà Nẵng, đến nay, toàn Thành phố đã có gần 500.000 người đăng ký sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số. Việc triển khai ứng dụng VssID từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên ứng dụng, góp phần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Bên cạnh VssID, trong năm 2021, BHXH TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều hạng mục chuyển đổi số, cải cách hành chính (CCHC) khác, đó là thực hiện 25/25 thủ tục hành chính công (TTHC), trong đó có 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia với 13 đơn vị đang cung cấp, hỗ trợ dịch vụ giao dịch điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử của đơn vị tham gia BHXH Thành phố đang quản lý đạt 100%, tương ứng với 1.201.915 hồ sơ phát sinh. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Điển hình như: Tại BHXH quận Sơn Trà, tính đến cuối tháng 11/2021, đơn vị đã tiếp nhận 2.630 hồ sơ BHXH một lần, 100% đều thực hiện giao dịch điện tử trên Cổng Dịch vụ công của ngành và được chi trả qua tài khoản cá nhân.

Để có kết quả trên, BHXH quận đã triển khai nhiều giải pháp: Tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động thông qua trang fanpage BHXH quận, mạng xã hội của cá nhân viên chức trên ứng dụng Facebook, Zalo; hướng dẫn trực tiếp người lao động kê khai tài khoản giao dịch điện tử và nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ cấp số tài khoản ngay nếu người lao động chưa có tài khoản cá nhân…

Xây dựng hệ sinh thái BHXH 4.0 

BHXH Đà Nẵng được đánh giá cao trong công tác CCHC và ứng dụng CNTT, thường xuyên nằm trong số các đơn vị dẫn đầu các bộ chỉ số; 2 năm liền (2019, 2020) được UBND Thành phố xếp hạng Nhất về ứng dụng CNTT và CCHC.

Tỷ lệ công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử, chữ ký số trong công việc đạt 100%; 100% văn bản điện tử do cơ quan phát hành có đầy đủ chứng thư số và chữ ký số.

Bên cạnh các phần mềm quản lý nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam, BHXH Thành phố cũng thường xuyên xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm hỗ trợ chuyên môn tại các phòng nghiệp vụ, BHXH quận huyện đạt hiệu quả, tiêu biểu như các phần mềm: Quản lý đấu thầu thuốc; quản lý nhân sự; quản lý chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); hệ thống quản lý khách hàng; sử dụng API lấy dữ liệu từ phần mềm; quản lý hồ sơ hành chính nghiệp vụ; quản lý chấm công và xếp loại thi đua công chức, viên chức, người lao động hằng quý; hỗ trợ tính thu nhập và thuế thu nhập cá nhân…

Thời gian tới, để tăng cường ứng dụng CNTT góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC hướng đến thành phố chuyển đổi số, bảo đảm an sinh cho người dân, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng, cho biết: “Với mục tiêu chuyển sang nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, công tác CCHC trong thời gian tới càng có nhiều áp lực hơn, cùng với đó, cũng sẽ có nhiều cơ hội cải biến, cống hiến và thành công hơn”.

Để đạt được mục tiêu, BHXH Thành phố sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, đó là: Hoàn thiện, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chung trong toàn ngành BHXH Việt Nam và với các sở, ngành của Thành phố; thống nhất cơ sở dữ liệu từ đầu vào cho đến đầu ra, tạo thành một dòng chảy thông suốt, kịp thời và chính xác.

Bên cạnh đó, tiếp tục liên thông các phần mềm, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng hệ sinh thái BHXH 4.0, phục vụ người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích hiện đại như ứng dụng dịch vụ tin nhắn tra cứu, ứng dụng BHXH số trên thiết bị di động.

Tổ chức thực hiện hiệu quả lộ trình dịch vụ công trực tuyến; tăng cường chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt gắn với công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách; thực hiện văn phòng không giấy thông qua ứng dụng triệt để Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số, số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC...