Bia, sữa trong “tầm ngắm” của nhà đầu tư Thái
Một nhà đầu tư gốc gác Thái Lan là công ty TNHH Vietnam Beverage đã đăng ký mua 25% cổ phiếu đang lưu hành của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn. Trong thương vụ mua cổ phần của công ty cổ phần Sữa Việt Nam mới đây cũng dính dáng đến một tỷ phú người Thái. Phải chăng lộ trình thâu tóm của nhà đầu tư Thái Lan với thị trường bia, sữa ở Việt Nam không còn xa?
Trong hoạt động triển khai bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thông báo, đến thời điểm ngày 11/12/2017, có một nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thực hiện công bố thông tin là công ty TNHH Vietnam Beverage.
Dấu ấn của tỷ phú
Bộ Công Thương cho biết thêm, ở Mục 22.6 Điều 22 Quyết định 4444/QĐ-BCT ngày 17/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần tại Sabeco có quy định
“nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua”.
25% cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco (hãng bia nội địa đang chiếm khoảng 45% thị phần theo sản lượng tiêu thụ) được cho là tương ứng hàng tỷ USD. Nếu công ty Vietnam Beverage mua thành công thì họ sẽ sở hữu trên 25% vốn điều lệ của Sabeco.
Qua tìm hiểu được biết, công ty này mới vừa thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn ThaiBev (hoạt động trong lĩnh vực đồ uống) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivdhanabhakdi.
Trước đó, công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) từng nhận định, nhiều công ty bia trong khu vực và thế giới như Asahi, CUB hay Heineken đều tỏ ra quan tâm mua vào cổ phần của Sabeco. Mặc dù vậy, Tập đoàn ThaiBev vẫn có lợi thế hơn.
Nên lưu ý, Tập đoàn TCC Group của tỷ phú Charoen Sirivdhanabhakdi (người giàu thứ 2 ở Thái Lan) là cổ đông chính, nắm quyền kiểm soát tập đoàn đồ uống Singapore Fraser&Neave (F&N).
Trong khi đó, F&N đang sở hữu 18,74% cổ phần tại công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và là cổ đông nước ngoài lớn nhất. Còn bản thân TCC Group trước đó cũng đã mua đứt chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam từ Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức.
Được biết, F&N từng có ý định muốn tăng số cổ phần tại Vinamilk để trở thành cổ đông kiểm soát. Thế nhưng, tháng 11/2017 vừa qua, Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C, đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson có trụ sở tại Hongkong, Trung Quốc) đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ tại Vinamilk lên gần 145,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 10%.
Như vậy có thể thấy, hãng sữa và hãng bia lớn nhất Việt Nam đã, đang và sẽ nằm trong trong “tầm ngắm” thâu tóm cổ phần của nhà đầu tư Thái vốn có tiềm lực mạnh về tài chính. Nên nhớ, vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư Thái đã bỏ tiền rất lớn vào từng giao dịch, nhất là ngành bán lẻ, đồ uống tại Việt Nam, và họ làm rất tốt.
Doanh nghiệp nội lo mất thị phần
Hồi năm ngoái, Tập đoàn Masan cũng đã ký hợp tác chiến lược với hãng bia lớn nhất của Thái Lan là Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha) với giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Nhà máy sản xuất bia Masan Brewery.
Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số doanh nghiệp nội thuộc dạng nhỏ lẻ, thị phần không đáng kể trong ngành đồ uống mà khối ngoại không thèm để mắt đến thì việc mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này đối với những doanh nghiệp có thị phần lớn như Vinamilk hay Sabeco vẫn đang được giới đầu tư ngoại nhắm đến, đặc biệt là người Thái.
Các chuyên gia nhận định, giới đầu tư Thái muốn đổ nhiều vốn cho hoạt động M&A trong ngành bia, sữa vì thị trường tiêu dùng Việt Nam đang phát triển rất tốt.
Hai lĩnh vực quan trọng của ngành đồ uống này được nhiều công ty nghiên cứu thị trường đánh giá là duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2017 – 2019 là 10,9%. Riêng tốc độ phát triển của phân khúc bia cao cấp được cho là ngày càng tăng, có thể đạt đến 20% vào năm 2020.
Ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết, ngành sữa, nước giải khát có tiềm năng rất lớn, còn nhiều dư địa để phát triển. Đơn cử ngành sữa, nhu cầu tiêu thụ sữa quy ra sữa tươi được dự báo tăng và đạt mức 27 – 28 lít/người/năm vào năm 2020. Còn đối với nước giải khát, dự kiến đến năm 2020 đạt 6,8 tỷ lít, năm 2025 đạt 9,1 tỷ lít.
Cũng nên nhắc lại, hồi năm ngoái, trong lộ trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk, được ví như 2 “con gà đẻ trứng vàng”, có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn là liệu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm cổ phần chi phối và làm mất đi thương hiệu, nhất là khi quan điểm của Nhà nước là không “bán bia, bán sữa”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trấn an rằng khó có chuyện đó. Bởi lẽ, việc doanh nghiệp nội có nguồn vốn nhà nước như Sabeco hay Vinamilk có nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm với mục đích biến thành công ty con để họ mở rộng thị trường tại Việt Nam sẽ khó thực hiện, thậm chí là không thể, do họ không thể thâu tóm được 100%.
Việc các nhà đầu tư ngoại thâu tóm được 51% để thành công ty con là có thể, nhưng họ cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến doanh nghiệp thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực bia, nỗi lo lớn của khối nội chính là con số hơn 50% thị phần ngành này được cho là đang rơi vào tay khối ngoại mà M&A góp một phần. Sự bất cân xứng trong khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực bia ngày càng cao khi thị phần của khối nội càng có vẻ co lại, đặc biệt khi thế thượng phong đang thuộc về các tập đoàn sản xuất đồ uống có tiềm lực tài chính mạnh của khối ngoại, trong đó thế lực đến từ các nhà đầu tư Thái là nỗi e ngại lớn.