Biến đổi khí hậu đáng lo hơn khủng bố
Ngày 25/12, Italy công bố kết quả khảo sát cho thấy trong năm 2018, vấn đề toàn cầu gây lo ngại lớn nhất tại quốc gia này là biến đổi khí hậu, thu hút sự quan tâm của người dân hơn cả vấn đề khủng bố.
Khái niệm bình thường mới
Khảo sát do Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) có trụ sở tại Milan thực hiện từ ngày 5 đến 10-12 về mối quan tâm trong xã hội Italy năm 2018 ở cả cấp độ quốc tế và trong nước. Báo cáo của ISPI chỉ ra lần đầu tiên biến đổi khí hậu trở thành chủ đề đáng lo ngại nhất ở cấp độ quốc tế với người dân Italy.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh gần 200 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu trong Hội nghị khí hậu lần thứ 24 của LHQ (COP24) tổ chức tại Ba Lan đầu tháng 12. Tuy nhiên, COP24 đã không thể thống nhất về báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong đó nêu những cảnh báo của giới khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nghiêm trọng và kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt hơn mới mong đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris 2015.
Hồi đầu tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu. Chi phí các nguồn năng lượng tái tạo bắt đầu giảm mạnh. Giới chính trị gia cũng quan tâm hơn đến vấn đề này sau một năm châu Âu chịu hiện tượng khí hậu cực đoan. CEO Trung tâm Thích nghi khí hậu toàn cầu (GCA) của Hà Lan Patrick Verkooijen cho biết: “Biến đổi khí hậu đã trở thành một khái niệm bình thường mới. Cuộc tranh luận về vấn đề khí hậu không còn giới hạn trong việc đi tìm nguyên nhân. Tranh luận giờ đây phải tập trung thêm vào hàng tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng và cần thích nghi nhanh chóng với biến đổi khí hậu”.
Châu Á khốn đốn
Trong vài ngày qua, sương mù dày đặc bao phủ toàn bộ miền Bắc Ấn Độ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân và hoạt động vận tải, đặc biệt là hàng không, ở nước này. Tình hình trở nên tồi tệ hơn do lượng ô nhiễm không khí cao nơi đây. Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) Ấn Độ, chỉ số chất lượng không khí khi đo nồng độ các hạt vật chất độc hại tại thủ đô New Delhi ở mức 431.
Chỉ số này đo mật độ các hạt bụi nhỏ PM 2,5 (đường kính nhỏ hơn 2,5 micron), vốn là những hạt bụi có thể thâm nhập sâu vào phổi. Do sương mù dày đặc và ô nhiễm không khí ở mức cao nên tầm nhìn tại thủ đô New Delhi đã giảm xuống chưa tới 50m, khiến sân bay quốc tế Delhi phải hoãn 45 chuyến bay. CBCP kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa các nhà máy, các công trường xây dựng tại các khu vực bị ô nhiễm nặng, đồng thời kêu gọi người dân không, hoặc hạn chế sử dụng xe chạy bằng dầu diesel.
Tại Thái Lan, tờ Bangkok Post đã ví von tình trạng ô nhiễm không khí như “Nụ cười bị chôn vùi sau những chiếc khẩu trang” khi thủ đô Bangkok của nước này chìm trong sương mù độc hại nhiều ngày qua. Hiện chính quyền Bangkok đã cho sử dụng súng phun hơi nước tại những khu vực có mật độ ô nhiễm nghiêm trọng. Những chiếc súng phun hơi nước này có khả năng bắn nước lên độ cao 30m. Đây là lần đầu tiên những thiết bị này được sử dụng. Bên cạnh đó, chính quyền Bangkok cũng bố trí công nhân vệ sinh tăng cường quét dọn đường phố.
Biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thảm họa khủng khiếp như vụ sóng thần mới đây tại khu vực xung quanh eo biển Sunda, phía Tây đảo Java. Sau khi sóng thần tàn phá, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Indonesia đã sử dụng máy bay không người lái và chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Thống kê sơ bộ, sóng thần đã làm ít nhất 373 người thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương và hiện vẫn còn ít nhất 128 người mất tích. Người phát ngôn cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia Yusuf Latif cho biết, phạm vi tìm kiếm sẽ được mở rộng sang cả phía Nam, đến các khu vực xa hơn, nơi trước đây được cho là không bị ảnh hưởng, nhưng thực tế là có nhiều nạn nhân ở đó.