Hai kịch bản kinh tế Việt Nam dưới tác động của tài chính thế giới

Theo ncseif.gov.vn

Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang trên đà phục hồi, điều này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc xuất khẩu vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng cùng với việc phá giá đồng NDT sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này cũng như hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trung Quốc

Trước tình hình kinh tế Trung Quốc ngày một xấu đi, Chính phủ nước này đã quyết định phá giá đồng NDT trong ba ngày liên tiếp 11-13/8/2015 với mức giảm 4,6% với mục đích: i) hỗ trợ xuất khẩu; ii) phục hồi tăng trưởng kinh tế; và iii) thuyết phục IMF đưa NDT trở thành đồng tiền được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới. Đến ngày 26/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục phá giá đồng NDT thêm 0,09% từ 6,3987 NDT/USD xuống 6,4034 NDT/USD.

Đây là lần phá giá nhân dân tệ thứ hai kể từ ngày 13/8 sau 3 ngày phá giá liên tiếp khiến NDT giảm 4,6% giá trị. Một số tổ chức nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc bắt đầu cho rằng NDT có thể giảm về 7 NDT/USD vào cuối năm nay và 8 NDT/USD vào cuối năm sau. Điều này có nghĩa là NDT sẽ bị phá giá hơn 8% đến cuối năm nay và khoảng 20% đến cuối 2016. Trước đó, các chuyên gia quốc tế dự đoán NDT sẽ giảm xuống 6,5 NDT/USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, khi ngừng phá giá đồng NDT, Trung Quốc phải phải bơm tiền để cải thiện thanh khoản của hệ thống tài chính. Ngày 18/8/2015, PBOC đã quyết định hỗ trợ 48 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và 45 tỷ USD cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Biện pháp này nhằm nâng cao mức vốn của hai định chế tài chính đặc trách việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, để qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Ngày 25/8/2015, PBOC tuyên bố hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm thêm 0,25%. Ngoài ra, PBOC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản xuống 18% nhằm bù đắp thanh khoản.Theo ước tính, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp bơm khoảng 678 tỷ NDT (tương đương 105,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính Trung Quốc, trong khi cắt giảm lãi suất sẽ giúp hạ chi phí đi vay mà các doanh nghiệp phải trả.

Các nền kinh tế khác

Ngày 19/8, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và các quan chức nội các nước này đã hướng dẫn lãnh đạo các công ty quốc doanh và tư nhân về thời gian và mức doanh thu bằng USD phải chuyển đổi sang đồng Rúp. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev xác nhận Chính phủ nước này một lần nữa đang dựa vào các công ty xuất khẩu trong việc bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Trước đó, ông Medvedev cam kết trong trung hạn đồng Rúp sẽ được đưa trở lại mức tỷ giá trước khi diễn ra đợt sụt giá mới nhất.

Tác động đến kinh tế Việt Nam

Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang trên đà phục hồi, điều này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc xuất khẩu vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng cùng với việc phá giá đồng NDT sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này cũng như hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Những ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vào Trung Quốc như nông nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản và các loại nguyên liệu khác sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới có xu hướng giảm sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm. Trong tháng 8, giá xăng đã được điều chỉnh giảm 2 lần, cụ thể là ngày 4/8/2015, giá mặt hàng xăng RON 92 đã giảm 820 đồng/lít xuống mức bán lẻ là 19.300 đồng/lít; ngày 19/8/2015 giá xăng RON 92 được điều chỉnh giảm thêm 770 đồng/lít xuống mức bán lẻ 18.530 đồng/lit. Tháng 8/2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước được cơ quan thống kê ghi nhận giảm 0,07% so với tháng 7/2015. CPI tháng 8 giảm có nguyên nhân chính là giá xăng dầu, gas được điều chỉnh giảm.

Bên cạnh đó, việc thời tiết bớt nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng ít hơn cũng giúp giá cả hạ nhiệt.Việc đồng NDT mất giá và giá dầu giảm giá sẽ có tác động nhiều chiều tới nền kinh tế Việt Nam. Với việc ứng dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu với trường hợp đồng NDT mất giá 3% và giá dầu thế giới giảm xuống mức 40 USD/thùng, kết quả tính toán cho thấy:


Kịch bản 1: Kịch bản đồng NDT của Trung Quốc mất giá 3%

Do kinh tế Trung Quốc được cải thiện đồng thời nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam chủ yếu là hàng thô nên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung trong quý IV/2015 sẽ tăng 0,08% và tăng thêm 0,10% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc; do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là nhóm hàng trung gian và tư liệu sản xuất, trong đó, nhóm hàng bán thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất nên khi đồng NDT mất giá, nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên với mức tăng 0,09% trong quý IV/2015 và tăng 0,11% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc, và do đó tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 0,006% trong quý IV/2015 và tăng thêm 0,003% trong năm 2016.

Với cú sốc này, tiền đồng tăng giá 0,5%. Lạm phát của Việt Nam giảm 8,9% trong quý IV/2015 và 3,1% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc (Bảng 1).

Hai kịch bản kinh tế Việt Nam dưới tác động của tài chính thế giới - Ảnh 1

Kịch bản 2: Kịch bản giá dầu trung bình của thế giới giảm xuống mức 40 USD/thùng

Trường hợp giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng, do kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn suy giảm nghiêm trọng nên chi tiêu chính phủ và tổng cầu trong nước của các quốc gia này giảm mạnh kéo theo cầu hàng hóa của các quốc gia này từ các nền kinh tế phát triển giảm khiến cho kinh tế của các nước chịu tác động tiêu cực với các mức độ khác nhau theo mức độ phụ thuộc lẫn nhau. Ví như nền kinh tế khu vực EU28 hay Eurozone và Nga có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên khi kinh tế Nga suy giảm thì kinh tế của các nước

EU28 hay Eurozone cũng bị ảnh hưởng tiêu cực theo (Bảng 2). Với cú sốc này, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 1,22% tong quý IV/2015 và giảm 0,68% trong năm 2016.
Hai kịch bản kinh tế Việt Nam dưới tác động của tài chính thế giới - Ảnh 2
Do kinh tế Mỹ và EU28 hay Euronoze giảm nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực với mức giảm 0,48% trong quý IV/2015 và giảm 0,04% trong năm 2016 (Bảng 3). Với cú sốc này, tiền đồng tăng 2,38%, song lạm phát thì giảm 72,32% trong quý IV/2015.