Biến khát vọng thịnh vượng thành những hành động cụ thể
Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia.
Nhận định Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại các cơ hội nhưng Thủ tướng cho rằng cũng có nhiều thách thức đặt ra. Do đó, cùng với khai thác và không bỏ lỡ các cơ hội thì Việt Nam cũng cần giải quyết được những thách thức.
Trong bối cảnh trình độ công nghệ của nền kinh tế có xuất phát điểm khiêm tốn, chưa đồng đều, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp và trong các ngành thâm dụng lao động, nguy cơ nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin cũng như chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh…
Mặt khác, DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá.
Tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế cũng là một ưu tiên. Thủ tướng cho biết, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.
Cùng với đó, việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó các DN vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh cũng như trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tiễn đời sống.
Các DN cần có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường trong nước, thế giới, qua đó góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.
“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của CMCN 4.0 là sự "kết nối" trên nền tảng đổi mới sáng tạo, do đó "để đạt được thành công, chiến lược tổng thể ứng phó của Việt Nam đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, vượt qua được những tư duy và cách làm cũ trước đây. Đồng thời, cần đặt DN vào vị trí trung tâm của chiến lược này".