Biến tướng đa cấp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến hết tháng 8, cả nước chỉ còn 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp (tức có cấp giấy phép), trong khi tại thời điểm đầu năm 2019, có 30 doanh nghiệp hoạt động.
Đáng chú ý, trong cả năm 2019, chỉ có thêm 3 doanh nghiệp bổ sung vào danh sách các công ty đa cấp, nhưng đến nay, có tới 12 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (gồm: bị thu hồi giấy phép, không được gia hạn và cả tự nguyện xin rút hoặc giấy phép mãn hạn nhưng không muốn gia hạn). Báo cáo của Bộ Công thương cũng thừa nhận, những năm gần đây, số người tham gia bán hàng đa cấp ngày càng giảm.
Đúng là trong thời gian qua, vấn nạn đa cấp không còn nóng như trước. Nhiều người từng là nạn nhân của đa cấp biến tướng đã tỉnh ngộ, dần rút khỏi thị trường nhiều rủi ro này sau các bài học cay đắng mà dư luận đã phản ánh.
Thế nhưng, vụ một số phần mềm (app) có dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua internet (mà Bộ Công an vừa cảnh báo tới người dân, cùng với vấn nạn tiền ảo lừa đảo đang làm nhiều nạn nhân bị vỡ nợ, bỏ trốn…) cho thấy, các chiêu trò đa cấp mới lại đang âm thầm lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân với nhiều biến tướng nguy hại.
Không còn đơn thuần là các mô hình bán hàng (sản phẩm) đa cấp truyền thống, mà hiện nay, rất đáng lo ngại là các “trùm” hệ thống đang tràn sang khai thác nền tảng thương mại điện tử, công nghệ 4.0 để trực tiếp huy động vốn theo kiểu đa cấp, trả thưởng một cách “khó tin” nhằm đánh vào lòng tham của nạn nhân…
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0” và được “nổ” là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp”, “doanh nhân muốn kết nối toàn cầu”…
Nhưng các mô hình mới này chỉ là chiêu trò, quá rủi ro vì khoản tiền đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ thể hiện trên tài khoản ảo ở các website, trong khi hệ thống máy chủ lại đặt ở nước ngoài, chủ dự án không hiện diện ở Việt Nam. Do đó, cơ quan chức năng không thể “túm tóc”, nên rủi ro cho người tham gia rất khó tránh khỏi và chắc chắn ngày càng khó quản lý hơn. Đa cấp trái phép sẽ ngày càng nhiều, phức tạp hơn.
Điều đáng lo là thành viên - nạn nhân của các mô hình đa cấp 4.0 này lại chủ yếu là sinh viên, giới trẻ - những người vừa bước vào đời, đang khởi nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là, những bạn trẻ này có biết đó là đa cấp biến tướng hay không? Từ bao năm nay dư luận đã cảnh báo, thậm chí lên án nhưng tại sao vẫn lao vào? Chắc chắn là nhiều người cũng nhận ra và cũng có người tham gia vì thiếu thông tin, kinh nghiệm. Nhưng suy cho cùng, vẫn là do lòng tham lam, nôn nóng làm giàu nhanh chóng. Bởi không thể mù quáng đến mức cho rằng, không phải làm gì mà mỗi tháng cũng có vài chục triệu đồng.
Đa cấp đang đánh vào giới trẻ hiện nay đang là thực tế đáng lo ngại. Bên cạnh những biện pháp quản lý nhà nước thì bản thân mỗi người, nhất là giới trẻ được học hành, có trình độ phải tự nâng cao nhận thức của mình, tránh xa những rủi ro luôn tiềm ẩn khi tham gia vào hệ thống đa cấp đang ngày càng biến tướng hiện nay.