Bát nháo kinh doanh đa cấp trái phép
Hàng loạt dự án, website chào mời nhiều người tham gia kinh doanh, mua cổ phiếu nội bộ... với mức lợi nhuận hấp dẫn theo mô hình đa cấp đang xuất hiện trở lại.
Hiện nay, cả nước chỉ có 21 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh đa cấp đang hoạt động, giảm 12 doanh nghiệp so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không được cấp phép vẫn tổ chức kinh doanh đa cấp trên không gian mạng, theo chiều hướng ngày càng phức tạp, huy động số người tham gia rất lớn.
Gom tiền nhanh để sớm... "bùng"
Mới đây, cơ quan công an đã khởi tố lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng (Gold Time Group) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Để hoạt động, Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng đã huy động vốn bằng hình thức lôi kéo người tham gia mạng lưới của mình. Để được tham gia, mỗi người phải nộp cho công ty 3 triệu đồng, gọi là mua phân quyền và được hưởng các quyền lợi mà công ty đưa ra.
Sau khi được "phân quyền", nếu lôi kéo được càng nhiều người tham gia thì quyền lợi được hưởng càng lớn. Khi Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng bị phát hiện kinh doanh đa cấp trái phép, đã có tới hơn 360.000 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 900 tỷ đồng.
Một vụ việc cũng nóng không kém gần đây là một nhóm nhà đầu tư tiền ảo bắt cóc tống tiền cả gia đình doanh nhân để cướp 35 tỷ đồng. Nhóm gây án đã từng là nhà đầu tư của “doanh nhân” này với dự án tiền ảo Pincoin. Sau vài tháng vận hành thì hệ thống này bị sập với thông tin lan truyền bị hacker tấn công, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Đáng chú ý, nạn nhân vụ cướp cũng được xác định là một trong những “tuyến trên” của dự án tiền ảo Bitkingdom từng một thời đình đám.
Mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo không chỉ là các công ty trong nước. Vừa qua, hàng loạt mô hình kinh doanh đa cấp có các đối tượng phạm tội là người nước ngoài cũng bị cơ quan chức năng phanh phui.
Giữa tháng 7, Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác về hệ thống Winsbank do có dấu hiệu sử dụng tiền ảo để huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.
Winsbank là sản phẩm của Công ty WORLD BLOCKCHAIN HOLDINGS LIMITED (trước đây là Winsfun), có địa chỉ trụ sở tại số 9 Barrack Road, Belize City, Belize. Công ty này hoạt động đầu tư casino, cá độ, xổ số; cho vay thế chấp tài sản số; tiền ảo WinCoin (Win) và phát hành cổ phiếu số Eshare (ESR).
Để thu hút nhà đầu tư tham gia vào hệ thống, Winsbank “hứa hẹn” với nhà đầu tư sẽ có lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm, sau khi tham gia vào hệ thống bằng cách mua đồng tiền ảo WinCoin, với 13 gói đầu tư WinCoin có giá trị từ 100 Win đến 100.000 Win (tương đương từ 100 USD đến 1.000.000 USD). Hoặc tham gia mua cổ phiếu ESR với 16 gói do Winsbank đưa ra từ 100 USD đến 1.000.000 USD.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích đầu tư nhìn nhận: “Những kiểu lừa đảo này vốn không thể tồn tại lâu, thông thường chỉ được vài tháng tới tối đa 1-2 năm. Do đó, họ sẽ luôn cố gắng tìm mọi cách đưa ra những lợi nhuận cao nhất, với những lời lẽ hoa mỹ nhất đánh vào lòng tham, khiến nhiều người nộp tiền vào nhanh nhất có thể, với thời gian sớm nhất để dự án có thể… bùng sớm”.
Khó xử lý?
Có thể thấy, thời gian gần đây, kinh doanh đa cấp lừa đảo đang có dấu hiệu nóng trở lại, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người mất việc làm, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập. Vì vậy, trước lời kêu gọi hấp dẫn về đầu tư và sinh lời, nhiều người đã “lao vào” mô hình này.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đánh giá điểm chung mà các dự án có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép thường thấy đó là những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án.
“Nhiều dự án sẽ quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Trên thực tế, nhiều dự án vẫn dùng lợi nhuận để quảng cáo, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người tham gia.
Đầu tư đa cấp không hề mới, nhưng việc nhà đầu tư vẫn liên tục "sập bẫy" cho thấy sức hút của mô hình này là rất lớn, bất chấp cảnh báo. Thực tế, 10 năm qua, rất nhiều công ty kinh doanh đa cấp bị đánh sập sau khi huy động hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, như Golden Rock, Khải Thái, MB24, Vì cộng đồng Việt, hay Thiên Ngọc Minh Uy…
Sau các đợt truy quét ráo riết, hình thức đầu tư đa cấp đã được “siết” lại, tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui.
Thực tế, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, mô hình kinh doanh đa cấp chủ yếu diễn ra trên không gian mạng, nên việc xử lý là rất khó. Song, các chuyên gia cho rằng, cần phải sửa đổi hành lang pháp lý, ban hành các quy định, chế tài đủ mạnh.
Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị mất tiền oan. Các chuyên gia khuyến cáo, khi muốn đầu tư vào mô hình kinh doanh đa cấp, người dân cần tìm hiểu xem doanh nghiệp đó có được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động hay không. Đối với mô hình đa cấp có nguồn gốc từ nước ngoài, nhà đầu tư càng phải tìm hiểu thật kỹ để tránh bị lừa đảo.