Bình Dương: 14/34 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch năm

Theo Đ. Thắng/dangcongsan.vn

Hiện tỉnh Bình Dương có 14/34 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch năm; 17/34 chỉ tiêu được duy trì mức tăng ổn định với mức hoàn thành đạt từ 50-85% so với kế hoạch năm, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch vào cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, góp phần cùng tỉnh hoàn thành nhiều chỉ tiêu tăng trưởng.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, góp phần cùng tỉnh hoàn thành nhiều chỉ tiêu tăng trưởng.

Trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương được duy trì ở mức ổn định. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2021 và có nhiều triển vọng đạt kế hoạch năm 2022 (8-8,3%). Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các doanh nghiệp tiếp tục chủ động chuyển đổi mô hình, mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng quy mô, bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất thường xuyên.

Ghi nhận của ngành chức năng cũng cho thấy, tình hình cho thuê đất, nhà xưởng tại các khu công nghiệp tiếp tục có những khởi sắc với tổng diện tích cho thuê tăng thêm 200ha. Thu hút đầu tư từ nước ngoài tại các khu công nghiệp được 1,83 tỷ đô la Mỹ, chiếm 71% thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp VSIP 3, mở rộng các Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 200.928 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Để đạt được chỉ số kể trên, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương kịp thời theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân; thường xuyên tổ chức các chương trình tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ đô la Mỹ, tăng 11,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 19,2 tỷ đô la Mỹ.

Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực; từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có sự khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện tỉnh có 14/34 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch năm; 17/34 chỉ tiêu được duy trì mức tăng ổn định với mức hoàn thành đạt từ 50-85% so với kế hoạch năm, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch vào cuối năm.

Để các nhóm giải pháp, nhiệm vụ phân khai theo sở ngành, địa phương được thực hiện hiệu quả, tại phiên họp, UBND tỉnh đã thảo luận, lấy ý kiến và thông qua 28 nội dung quan trọng liên quan các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao sự nỗ lực của các sở ngành, địa phương trong việc duy trì sự phát triển, tăng trưởng ổn định của nền kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng chí đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhóm giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ để hoàn thành kế hoạch năm.

Cụ thể, trong quý IV lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung vào 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chiến lược để duy trì sự phát triển, tăng trưởng của địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022- 2023). Đồng thời, các sở ngành, địa phương tích cực rà soát, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng phổ thông, như: Điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm...; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ…

Tỉnh cũng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời lập quy hoạch riêng từng lĩnh vực, địa phương theo giai đoạn và phân khai từng năm để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi công năng, nhiệm vụ và tái cấu trúc nền kinh tế công nghiệp trên địa bàn, tỉnh tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp; tổ chức đấu giá một số khu đất đủ điều kiện và nghiên cứu phân bổ cho các công trình đầu tư công; đồng thời triển khai các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng đơn giá đất bồi thường; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.