Bình ổn giá bắt đầu từ tổ chức sản xuất

Theo Chinhphu.vn

Theo lãnh đạo cơ quan quản lý giá, việc bình ổn giá cần sử dụng tổng hợp những giải pháp từ sản xuất đến lưu thông, từ chi phí sản xuất đến giá. Bình ổn giá hiệu quả đầu tiên nên đi từ gốc, đó là tổ chức sản xuất. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa về vấn đề kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.

Thưa ông, vừa qua Thủ tướng có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả, trong đó có giao Bộ Tài Chính chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá, xác định giá các mặt hàng thiết yếu và điều hành ổn định đầu vào của một số mặt hàng, những công việc này hiện đang được Bộ Tài chính thực hiện thế nào?

Bộ Tài chính hiện triển khai Thông tư 122/2010/TT-BTC, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh 17 mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải đăng ký giá với Bộ Tài chính và 6 mặt hàng phải thực hiện kê khai giá và đã chỉ đạo các địa phương công bố ngay danh sách những doanh nghiệp trên địa bàn phải đăng ký giá và kê khai giá để thực hiện việc kiểm sóat các yếu tố hình thành giá khi các doanh nghiệp có thay đổi giá.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố sử dụng các nguồn tài chính sẵn có trên địa bàn thuộc ngân sách địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu để chuẩn bị hàng phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán, bảo đảm không xảy ra mất cân đối cung cầu và bình ổn giá.
Đồng thời yêu cầu các Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố cân đối lại cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, có giải pháp hỗ trợ bằng tài chính, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh ngiệp, bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Các Sở Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về giá và tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bât hợp lý .


Thời điểm từ nay tới cuối năm được đánh giá là nhạy cảm về giá. Ông nhận định thế nào về bức tranh của thị trường giá cả cuối năm?
Có nhiều nhân tố tác động đến mặt bằng giá. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kèm theo đó nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh tăng. Điều này sẽ đẩy giá tăng theo.
Tuy nhiên chúng tôi đánh giá không có đột biến về giá các loại nguyên liệu đầu vào cơ bản, nhưng vẫn có sự dao động và điều này sẽ tác động, kéo giá trong nước lên, đặc biệt khi nền kinh tế của ta hiện nay hội nhập quốc tế, nhập khẩu nhiều nguyên nhiên vật liệu cơ bản.
Về trong nước, ba tháng cuối năm chuẩn bị cho Tết nên nhu cầu hàng hóa dịch vụ tăng cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn tiểm ẩn yếu tố phức tạp mà chúng ta chưa lường hết được.
Ngoài ra, các yếu tố khác như thiếu vốn cho sản xuất, cung ứng điện gặp khó khăn, một số yếu tố đầu vào của sản xuất gặp khó khăn cũng sẽ tác động tới chi phí sản xuất và giá thành.
Một yếu tố nữa là cuối năm do việc giải ngân của các công trình hoàn thành trong năm nay, lượng tiền đưa vào lưu thông tăng nên cũng gây áp lực đến mặt bằng giá.
Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt các giải pháp để giữ chỉ số giá tiêu dùng cuối năm chỉ tăng 8% so với tháng 12/2009.


Về các giải pháp, theo ông, việc bình ổn giá các mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu sẽ được tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Theo tôi, việc bình ổn giá không chỉ đi trực tiếp vào giá mà cần sử dụng tổng hợp những giải pháp từ sản xuất đến lưu thông, từ chi phí sản xuất đến giá.
Bình ổn giá hiệu quả đầu tiên nên đi từ gốc. Đó là tổ chức sản xuất hợp lý, tránh độc quyền.
Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đủ hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, tránh xảy ra mất cân đối cung cầu.
Cũng cần kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho để tránh đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, kiểm soát đăng ký giá, kê khai, kiểm soát các phương án giá, dịch vụ mà nhà nước còn đặt hàng, chi trả từ ngân sách nhà nước hay hàng hóa được trợ cước, trợ giá để tránh đẩy chí phí lên cao.


Thưa ông, công tác điều hành sẽ như thế nào với nhóm hàng là đầu vào của sản xuất như xăng, dầu, điện, than?
Ngoài giải pháp vĩ mô, với từng mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu cho đời sống thì chúng ta phải có cách quản lý riêng. Về cơ bản chúng ta vẫn phải thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta phải có cách quản lý để tránh tác động gây tăng giá.
Từ nay đến cuối năm giá điện, giá than bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn phải giữ ổn định. Bộ sẽ sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng, dầu ở mức hợp lý.
Một số mặt hàng khác như nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách, xe buýt, giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng Nhà nước còn định giá vẫn được giữ ổn định để bình ổn mặt bằng giá chung.
Đối với mặt hàng khác sẽ tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh về giá tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường các chương trình khuyến mại, giảm giá, tạo mức giá ở mức phù hợp hơn.


Mới đây, tại cuộc họp giao ban bảo đảm cấn đối cung cầu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo một số nhóm giải pháp như đẩy mạnh sản xuất, tằng cường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trên các địa bàn. Theo ông bên cạnh biện pháp vĩ mô đó chúng ta còn có nhóm giải pháp nào khác nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát trong năm nay ?
Chỉ thị của Thủ tướng ban hành ngày 11/10 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng về bình ổn giá là những giải pháp rất đồng bộ.
Cụ thể hóa đối với giải pháp về giá, như đã nói ở trên, tôi cho rằng việc đầu tiên điều hành giữ ổn định giá của một số mặt hàng cơ bản gồm điện, than, bình ổn giá xăng dầu thông qua điều tiết của Nhà nước.
Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá thông qua kênh chi tiêu bằng ngân sách nhà nước của Chính phủ.
Kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký, kê khai giá .
Trừ khi, giá cả thị trường thế giới có biến động, chúng ta có thể xem xét để cho doanh nghiệp điều chỉnh giá ở mức hợp lý để doanh nghiệp có điều kiện cung ứng hàng hóa cho xã hội, tránh thiếu hụt.
Đó cũng là biện pháp đang có hiệu quả mà Bộ Tài chính triển khai.

Xin trân trọng cảm ơn ông.