Bình ổn thị trường sau bão, tránh “té nước theo mưa”

Kim Oanh

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) nhận định, sau bão số 3 (YAGI) có sự tăng giá cục bộ tại một số mặt hàng nhưng không quá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rất nhạy bén, giúp nhanh chóng ổn định thị trường.

Phóng viên: Ông đánh như thế nào về tác động của cơ bão số 3, hoàn lưu bão vừa rồi đến giá cả hàng hóa tiêu dùng?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, tác động của bão số 3 (YAGI) chỉ trong ngắn hạn, và chủ yếu tác động đến mặt hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh là chính. Và lượng nhu cầu hàng hóa tăng lên ở khu vực miền Bắc vẫn được đáp ứng đủ nhờ sự "chi viện" của khu vực miền Nam và miền Trung nên sự tác động này cũng không quá nghiêm trọng.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, các chỉ đạo này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất kịp thời và cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ. Điều này sẽ tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm quy định về điều hành giá cả và đầu cơ trục lợi. Đảm bảo được tính ổn định giá, góp phần quản lý và điều hành giá cả tốt hơn trong những tháng cuối năm để kiểm soát được lạm phát trong mức mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Về phía Bộ Tài chính, tôi được biết, ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có Công điện số 03/CĐ-BTC về đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão Yagi (cơn bão số 3) gửi các bộ, cơ ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính. Tôi cho rằng, đây là động thái rất chủ động, kịp thời để có thể ngăn chặn các hành vi lợi dụng khó khăn, bão lũ để trục lợi. Điều này cũng sẽ giúp bình ổn giá cả tiêu dùng trong mùa mưa bão cũng như giúp người dân yên tâm hơn trong điều kiện khó khăn, ngăn ngừa nguy cơ mua hàng tích trữ làm khan hiếm nguồn cung có thể đẩy giá cả lên cao.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

 

Phóng viên: Để ổn định thị trường giá cả từ nay tới cuối năm, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, trong bối cảnh dự báo tới đây tình trạng thiên tai, bão lũ vẫn còn phức tạp, theo ông, chúng ta cần triển khai các giải pháp gì để không tăng giá, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, để điều hành ổn định được giá cả hàng hoá trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục duy trì sự giám sát của các cơ quan chức năng về tình hình giá cả để hạn chế hiện tượng làm giá, lợi dụng khó khăn để trục lợi.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân bán lẻ lớn và các chuỗi siêu thị lớn để bình ổn giá cả, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo cung ứng đủ hàng với giá cả bình ổn cho người dân, ngay cả ở những vùng, khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Đồng thời, cũng cần có chỉ đạo trong việc đảm bảo nguồn dự trữ lương thực, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia trong thời gian tới và phát đi thông điệp sẵn sàng bình ổn thị trường để làm yên tâm lòng dân và làm nản lòng những kẻ có ý định đầu cơ, trục lợi.

Phóng viên: Ngoài các giải pháp ông vừa đề xuất, chúng cần lưu ý gì về việc ổn định tỷ giá không, thưa ông? 

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Đúng vậy! Bên cạnh giải pháp như ổn định nguồn cung và giá cả trong nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì để đảm bảo kiểm soát tốt được lạm phát, chúng ta cũng cần có các chính sách để ổn định tỷ giá từ giờ cho đến cuối năm để hạn chế hiện tượng nhập khẩu lạm phát.

Bởi Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế lớn, chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng cũng nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa nhiều để sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, việc ổn định giá cả của hàng hóa nhập khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo ổn định được giá cả hàng hóa trong nước cũng như gia tăng giá trị cho xuất khẩu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!