Công tác điều hành giá sau bão số 3 rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế nhận định, việc điều hành, ổn định giá cả, chống lạm phát là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương, nhất là thời điểm sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào khu vực miền Bắc. Đánh giá về công tác điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính, vị chuyên gia này cho rằng, đây là sự chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, giúp đảm bảo an sinh cho người dân, kiểm soát tốt lạm phát.
Phóng viên: Đối mặt với những hậu quả nặng nề do cơn bão số 3, công tác điều hành giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã liên tục có Công điện chỉ đạo về công tác này. Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành giá thời gian qua, đặc biệt là thời điểm sau bão số 3?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, cần nhận định về mặt bằng giá cả. Theo tôi, mặt bằng giá cả sau bão về cơ bản vẫn ổn định so với thời điểm trước khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, sau bão lũ, thị trường hàng hóa tại các thành phố lớn ở miền Bắc có biến động, trong đó mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh ghi nhận có sự tăng về giá đáng kể so với ngày thường do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch, vận chuyển. Giá các mặt hàng này tương đối cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Với tình hình đó, việc điều hành, ổn định giá cả, chống lạm phát là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt khi yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan có sự kiểm tra giám sát tránh hiện tượng nâng giá do bão lũ. Công tác chỉ đạo này một phần giúp ổn định đời sống, đảm bảo an sinh cho người dân sau bão lũ, giải quyết những ách tắc có thể có trong phân phối hàng hoá đến các địa phương.
Mặt khác, đây cũng là một trong những biện pháp Việt Nam đang cần thực hiện trong những tháng cuối của năm 2024 nhằm “kìm” lạm phát ở mức dưới 4%. Như vậy, mới có thể đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển sản xuất của toàn bộ nền kinh tế trong thời gian tới.
Phóng viên: Để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, ông có khuyến nghị gì đối với công tác điều hành giá trong thời gian tới?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, để điều hành ổn định được giá cả hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới thì đã có những điều kiện thuận lợi để thực hiện. Đó là giá trị đồng Việt Nam đang được nâng lên, đến thời điểm hiện tại, độ mất giá so với đồng đô la Mỹ đã xuống dưới 2%. Đây là cơ sở quan trọng để thấy rằng, hàng hoá nhập khẩu về để sản xuất cũng không tăng. Hơn nữa, đồng tiền ổn định nghĩa là giá cả hàng hoá sản xuất cũng ổn định. Như vậy, việc đồng tiền Việt Nam ổn định rõ ràng là nền tảng tương đối tốt để ổn định giá cả.
Vì vậy, tôi cho rằng, phía Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có điều hành tỷ giá hối đoái một cách phù hợp từ nay đến cuối năm để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu trôi chảy, đảm bảo mặt bằng giá cả ổn định.
Từ nay đến hết năm 2024, thời gian không còn nhiều, tuy nhiên chúng ta có nhu cầu rất lớn về mua ngoại tệ, phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách nhằm đảm bảo chi tiêu công. Do đó, cơ quan quản lý cần lưu ý lựa chọn thời điểm thích hợp để tránh những cú sốc về tiền tệ, tỷ giá, từ đó đảm bảo cho hoạt động thị trường tài chính tiền tệ trôi chảy, tránh được những biến động đột ngột về giá cả trên thị trường. Đây là nội dung vô cùng quan trọng mà cơ quan quản lý cần đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cùng các cơ quan liên quan phải xác định được giá cả đầu ra, đầu vào của các hàng hoá trên thị trường, nhất là các hàng hoá thiết yếu mà Nhà nước đang quản lý, điều hành. Phải đảm bảo các mặt hàng này không tăng giá, thậm chí là ổn định vì chúng ta đã giảm các loại thuế, phí thì không có lý gì để tăng giá.
Chính quyền các địa phương phải cùng với lực lượng quản lý thị trường quản lý giá cả hàng hoá trong các siêu thị, các nhà hàng cũng như tại các chợ truyền thống, các hộ kinh doanh. Cùng với đó, tăng cường quản lý việc niêm yết giá, bán đúng giá tại các hộ kinh doanh gia đình. Từ quản lý giá cả trên địa bàn sẽ góp phần bình ổn giá. Một phần giúp an sinh người dân sau lũ lụt tốt hơn, vừa góp phần ổn định các nhân tố để có thể giảm được lạm phát trong những tháng cuối năm 2024.
Phóng viên: Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra trong năm 2024 là 4-4,5% không, thưa ông?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% theo mục tiêu đã đề ra hoàn toàn có thể đạt được. Vào cuối năm 2023, dựa trên các số liệu tháng 10 và 11/2023, tôi đưa ra 2 kịch bản dự báo tình hình tăng trưởng của năm 2024.
Ở kịch bản thứ nhất, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, giao thương quốc tế chậm lại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong đơn hàng, do đó GDP có thể có mức tăng trưởng từ 5,5%-6,5%, lạm phát nằm trong khoảng 3,2-3,5%.
Ở kịch bản thứ hai là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống, nhu cầu giao thương quốc tế tăng lên. Cộng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, giá trị đồng Việt Nam tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước thì hoàn toàn có thể kỳ vọng nền kinh tế thể tăng trưởng đạt 6,3-7%. Lạm phát giao động ở mức 3,5-3,8%.
Trong 2 kịch bản này, tôi cho rằng, có khả năng nền kinh tế sẽ đi theo kịch bản thứ hai. Đến tháng 6/2024 vừa qua, với số liệu về xuất nhập khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, đầu tư nước ngoài, chỉ số công nghiệp, thành lập doanh nghiệp,... thì kịch bản thứ hai là phương án dự báo khả thi.
Song, với điều kiện hiện nay, khi kinh tế thế giới tăng trưởng vượt dự báo, lạm phát thế giới giảm, giao thương quốc tế được đẩy mạnh hơn, trên 85% doanh nghiệp Việt Nam có đơn hàng đến hết quý IV/2024, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025. Vì vậy, từ tháng 6/2024 chúng tôi đưa ra dự báo: Tăng trưởng GDP năm 2024 có khả năng đạt mức từ 6,8-7,3%, lúc đó lạm phát có thể nằm trong mức 3,8-4,1%.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 là khá lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực miền Bắc. Theo tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, có thể làm giảm tăng trưởng năm 2024 khoảng 0,18-0,2% nhưng khả năng đạt được mức tăng 7-7,2% vẫn là “rất sáng”.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!