Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công để đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Thùy Linh

Sau gần 7 năm triển khai, một số quy định của Luật Quản lý nợ công đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật vào thời điểm này là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ với các luật mới được Quốc hội thông qua, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Luật Quản lý nợ công sẽ tập trung quy định các nguyên tắc chung và quy trình vay vốn theo các điều ước quốc tế.
Luật Quản lý nợ công sẽ tập trung quy định các nguyên tắc chung và quy trình vay vốn theo các điều ước quốc tế.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017. Ngày 1/7/2018, Luật có hiệu lực thi hành, lần đầu tiên công tác quản lý Nhà nước về nợ công được thống nhất một đầu mối,  phù hợp với thông lệ quốc tế, huy động đầy đủ các nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển và trả nợ gốc của ngân sách nhà nước.

Đến nay, Luật đi vào cuộc sống gần 7 năm, cũng đã nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan sử dụng nợ công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, trả nợ công; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản chính phủ bảo lãnh, vay về cho vay lại, góp phần cải thiện các chỉ tiêu an toàn nợ công và mở rộng dư địa tài khóa.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, được thể chế hóa tại Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều luật tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… đã tác động đến việc thực hiện các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Quản lý nợ công. Thực hiện chủ trương rà soát các quy định pháp luật, đảm bảo đồng bộ trong cải cách thể chế, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4855/BTC-QLN ngày 15/4/2025 gửi các cơ quan, tổ chức để rà soát, tổng kết đánh giá việc triển khai Luật Quản lý nợ công.

Cùng với đó, trong bối cảnh triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành về quản lý nợ công để đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn trong công tác huy động vay, trả nợ công, hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo khuôn khổ thể chế làm cơ sở huy động đủ nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mục tiêu 8%, phấn đấu tăng trưởng hai con số các năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chủ trương phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, tăng cường phân cấp, phân quyền, một số quy định của Luật Quản lý nợ công về thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, quy định gắn với phân công nhiệm vụ các cơ quan Chính phủ trước đây cần rà soát sửa đổi, đảm bảo nhất quán và đáp ứng yêu cầu thu gọn đầu mối và cải cách thủ tục hành chính trong tình hình mới.

Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Tài chính thấy việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ với các luật Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 9 như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp. Đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác huy động và trả nợ công phục vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và giải quyết một số vướng mắc thực tế trong quá trình thực thi và quản lý.

Thể chế hóa các định hướng lớn

Bộ Tài chính khẳng định, xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý nợ công là cần thiết. Việc sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công là nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lý nợ công. Theo đó, sẽ bổ sung, điều chỉnh quy định để thực hiện phân cấp, phân quyền đối với quy trình phê duyệt các kế hoạch vay, trả nợ; hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm sự đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công (đã được sửa đổi).

Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng nhằm điều chỉnh các quy định về huy động và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, mở rộng ưu đãi và điều kiện tiếp cận các nguồn vốn này.

Trong quá trình xây dựng luật, Bộ Tài chính quán triệt các quan điểm chủ đạo, trước hết là bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Việc sửa đổi tập trung vào các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng hoặc thiếu tính thống nhất, đồng thời bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Luật cũng sẽ kịp thời thể chế hóa các định hướng lớn tại các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tạo đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, bảo đảm yêu cầu kiểm soát nợ công an toàn, bền vững và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, việc xây dựng luật cũng hướng tới mục tiêu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, Luật Quản lý nợ công sẽ tập trung quy định các nguyên tắc chung và quy trình vay vốn theo các điều ước quốc tế. Những nội dung có tính chất thường xuyên thay đổi sẽ được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nợ công.