Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng ban hành quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Sau 5 năm nghiên cứu, Bộ Công Thương đã đề xuất tạm dừng việc ban hành Thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Theo cơ quan này, việc đề xuất dừng quy định này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, không ban hành các quy định, điều kiện mới phát sinh gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Lo ngại chưa đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” và xin ý kiến các Bộ, ngành, đăng tải rộng rãi để xin ý kiến công luận.
Dự thảo Thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.
Trong quá trình tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành đối với dự thảo Thông tư và tự rà soát của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương nhận thấy vướng mắc về thẩm quyền ban hành văn bản sản xuất tại Việt Nam ở cấp Thông tư của Bộ trưởng. Theo quy định về Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương cũng như các Luật chuyên ngành có liên quan, việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” hiện chưa đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền.
Trong khi đó, việc ban hành Thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” chặt hơn so với hành lang pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước, trên cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tác động đến hệ thống văn bản pháp luật hiện tại, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp.
Nghiên cứu ban hành vào thời điểm thích hợp
Về tác động của chính sách, theo Bộ Công Thương, quy định của Thông tư dự kiến chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa của mình. Tuy nhiên, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, có phạm vi áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Như vậy, trừ trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài thì gần như các tiêu chí tại Thông tư sẽ là bộ tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ đối với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Phạm vi tác động của Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” khi được ban hành sẽ là rất lớn.
Bộ Công Thương cho rằng, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vốn đã quen với các khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán các thông số… thì việc tuân thủ quy định tại Thông tư không quá khó khăn.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh cá thể thì việc xác định mã số HS hay tính toán hàm lượng giá trị của từng nguyên liệu trong sản phẩm để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo như quy định tại dự thảo Thông tư sẽ là thách thức lớn, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hết sức khó khăn, việc ban hành quy định, điều kiện mới, phát sinh gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là chưa phù hợp tại thời điểm này. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng việc ban hành Thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để xử lý vấn đề vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét, quyết định ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư, theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao như Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ đã giao tại một thời điểm thích hợp để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.