Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030


Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ để làm chủ khu vực sản xuất.
Ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ để làm chủ khu vực sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Chương trình nhằm mục đích triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao cho ngành Công Thương tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030".

Phấn đấu đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Ưu tiên phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ

Theo dự thảo Chương trình, một trong những nhiệm vụ Bộ Công Thương đặt ra là tạo lập các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương, tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và tham gia quá trình hội nhập chủ động, hiệu quả. 

Trong đó, ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ để làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất.

Phát triển công nghiệp chế tạo thông minh nhằm tạo đột phá và  hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, da giầy, điện tử, đồ gỗ, nông thủy sản.

Hình thành các trung tâm năng lượng lớn theo lợi thế cạnh tranh của các địa phương; phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển ngành.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu.

Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Chú trọng phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành Công Thương

Một nhiệm vụ quan trọng khác Bộ Công Thương đặt ra trong Chương trình là chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương.

Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa.

Chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ của ngành.

Phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với ngành công nghiệp xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế.

Phát triển chuỗi cung ứng ngành dầu khí một cách đồng bộ, hoàn chỉnh có tính kết nối cao 4 lĩnh vực cốt lõi, gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu mỏ.

Phát triển chuỗi cung ứng ngành điện theo hướng đồng bộ hóa từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. 

Tăng cường khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước gắn với điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, đáp ứng nhu cầu than của thị trường trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện và cho các ngành sản xuất.

Hình thành hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh toàn cầu 

Hình thành một số tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Việt Nam có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong một số ngành công nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành.

Hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh và thương hiệu toàn cầu.

Phát triển một số tập đoàn bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hóa, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng, chiếm lĩnh phần lớn quy mô thị trường bán lẻ.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này.

Theo Minh Đức/baochinhphu.vn