Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ về quy hoạch năng lượng quốc gia
Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình của Bộ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia; Xác định các nhiệm vụ, giải pháp của các đơn vị trong Bộ để triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia.
Chương trình cũng lồng ghép với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực điện, khoáng sản, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo tính đồng bộ; Lồng ghép thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia cùng với thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đảm bảo việc thực hiện có tính khả thi cao, phát huy hiệu quả về nguồn lực thực hiện.
Nhiệm vụ hàng đầu được Bộ Công Thương đề ra để thực hiện chương trình là quán triệt đầu đủ, sâu sắc quan điểm và mục tiêu mà Quy hoạch năng lượng quốc gia đã đề ra. Theo đó, cơ quan này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy hoạch năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia một cách sâu, rộng đến mọi thành phần kinh tế.
Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai và mức độ, khả năng đạt được các mục tiêu Quy hoạch năng lượng quốc gia, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia theo từng năm và giai đoạn. Đề xuất điều chỉnh mục cho phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.
Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Quy hoạch năng lượng quốc gia. Cụ thể, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương về các phân ngành năng lượng (dầu khí, than, điện , năng lượng tái tạo), đẩy mạnh cách cơ chế uỷ quyền, phân cấp (nếu cần thiết) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đề tạo điều kiện bảo đảm tiến độ cho các dự án năng lượng; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia phù hợp với thẩm quyền theo quy định Chính phủ.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng của ngành Năng lượng; tập trung nghiên cứu phát triển, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành Năng lượng, tiến tới từng bước làm chủ công nghệ hiện đại và sản xuất các thiết bị cho ngành Năng lượng trong hệ thống các cơ sở nghiên cứu và sản xuất của ngành Công Thương.
Ngành Công Thương tiếp tục ttăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là hệ thống các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành năng lượng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ, đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài.
Bộ sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng chủ động xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị phù hợp Chương trình, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phê duyệt; tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm khác là đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Đất nước, của địa phương và của Bộ Công Thương trong từng thời kỳ.
Tại chương trình, Bộ Công Thương đã phân công từng nhiệm vụ cụ thể, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời hạn cũng như hình thức sản phẩm đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ nhằm triển khai hiệu quả chương trình.