Bồ Đào Nha – con mồi tiếp theo của cuộc khủng hoảng châu Âu
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu còn đang đau đầu với nhiệm vụ giải cứu Ireland thì tại Bồ Đào Nha, những dấu hiệu của sự sụp đổ đang ngày càng hiện rõ.
Thủ tướng Bồ Đào Nha phát biểu trước báo giới hôm thứ hai vừa qua rằng: “… Bồ Đào Nha đang phải chịu tác động lan truyền” trong khi “Không có bất cứ mối liên hệ nào giữa Ireland và Bồ Đào Nha”.
Bộ trưởng tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado nhấn mạnh rằng nước này sẽ không cần tới sự giúp đỡ từ bên ngoài và rằng những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách đang cho kết quả khả quan.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn đóng cửa với mức giảm điểm lần lượt là 2,7% và 1,4%. Thị trường đang đặt câu hỏi liệu đã tới lúc bắt đầu chiến dịch giải cứu Bồ Đào Nha, và sau đó là Tây Ban Nha hoặc Ý.
Các nhà đầu tư đang lo sợ rằng khủng hoảng Ireland sẽ sớm có thêm phiên bản mới là Bồ Đào Nha. Trái phiếu Bồ Đào Nha chỉ tăng giá không đáng kể sau thông tin về gói cứu trợ cho Ireland nhưng chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ thì lại tăng mạnh. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tây Ban Nha, Hi Lạp và Ireland.
Nếu Bồ Đào Nha phải nhờ tới sự trợ giúp của các đồng minh EU thì số tiền cứu trợ chỉ dừng ở 51,5 tỉ euro (70,5 tỉ USD) nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách và thanh toán nợ trái phiếu trong ba năm tới. Ước tính trên là của ngân hàng HSBC. Tuy nhiên, con số được dự đoán cho Tây Ban Nha sẽ là 350 tỉ euro, đây là một phép thử khó khăn đối với khả năng của EU và IMF.
Nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ đương nhiệm vấp phải không ít phản đối từ phía dân chúng, điển hình là cuộc biểu tình lớn hôm thứ tư tuần trước. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tiến hành chính sách thắt chặt ngân sách và phấn đấu hết mức để lấy lại sự tín nhiệm của thị trường.
Tuy nhiên, Tullia Bucco, một chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UniCredit ở Milan cho rằng: “Khó có thể xác định được điều gì sẽ đảm bảo sự an toàn cho Bồ Đào Nha. Tôi không nghĩ rằng cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ giải quyết được vấn đề.” Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu thị trường còn tiếp tục chịu sức ép như hiện nay thì nguy cơ Bồ Đào Nha cần được trợ giúp sẽ tăng cao.
Bồ Đào Nha hiện đang có mức thâm hụt ngân sách là 9,3% GDP năm 2009 và mục tiêu cho năm nay là 7,3%, năm sau là 4,6%.
Các chuyên gia tại Citigroup nhận định Bồ Đào Nha chưa đạt được sự cải thiện đáng kể nào trong năm 2010 so với những quốc gia ngấp nghé bờ vực khác như Hi Lạp hay thậm chí là Tây Ban Nha.
Theo chính phủ Bồ Đào Nha, mức chi tiêu trong 10 tháng đầu năm tăng 2,8% những thu nhập lại tăng 4,6%, cao hơn mức dự đoán ngân sách là 1,2%.
Trong khi cuộc khủng hoảng tại Ireland và Tây Ban Nha có điểm khởi phát là các ngân hàng và bong bóng bất động sản với sự suy sụp của các ngân hàng nước này, Bồ Đào Nha mặc dù không phải gánh chịu hậu quả của thị trường bất động sản đổ vỡ nhưng những gân hàng lớn nhất nước này Banco Comercial Português SA và đối thủ của nó Banco Espirito Santo SA cũng phải chịu tác động tiêu cực.