Bỏ hay không bỏ trần lãi suất huy động?

PV.

Trong năm 2015, khi lạm phát ở mức thấp, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức dưới trần quy định. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng. Nhiều thông tin cho hay một số ngân hàng đã lách, vượt trần lãi suất huy động và câu chuyện bỏ hay không bỏ trần lãi suất huy động một lần nữa lại được đặt ra…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ năm 2002, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tự do hóa lãi suất với VND. Tuy nhiên, trước hiện tượng các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu chạy đua lãi suất giai đoạn 2008 – 2011, NHNN đã quay trở lại áp trần lãi suất. Đồng thời, thông qua trần lãi suất NHNN cũng muốn kìm hãm mức lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng giai đoạn 2011-2013.

Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng khu vực phía Bắc vào tháng 9/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ bãi bỏ việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngay khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động, cụ thể là, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.

Với thực tế trên 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế có kỳ hạn dưới 1 năm, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi. Đại diện NHNN cho biết, việc giữ mức trần này nhằm định hướng kỳ vọng lạm phát và xem như một “barrie” để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt và phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.

Trên thực tế, thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015, khi lạm phát ở mức thấp, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức dưới trần quy định. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng nhẹ.

Lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại là không bất ngờ trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực. Trong số đó có thể kể đến tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015) đã kéo theo tỷ lệ huy động/cho vay (LDR) của một số ngân hàng ở mức khá cao.

Căng thẳng thanh khoản đã xuất hiện, lãi suất liên ngân hàng nóng lên và nhiều ngân hàng đã phải tăng biểu lãi suất huy động. Dù mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì; Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,4% - 6,8%/năm, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì nếu để xảy ra tình trạng các ngân hàng lách trần lãi suất, bức tranh hoạt động ngân hàng sẽ thêm rối.

Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến cáo: "Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn".

Cùng chung quan điểm trên, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng “Việc NHNN cần làm là phải tự do hóa lãi suất. Việc áp trần lãi suất thực ra là một công cụ áp chế tài chính và nên bỏ càng sớm càng tốt”. Lãnh đạo một ngân hàng cũng bay tỏ quan điểm, khi tất cả ngân hàng đã ở trạng thái lành mạnh tương đối họ sẽ tính toán làm sao để giá vốn vừa theo thị trường vừa có hiệu quả cao nhất chứ không ai dại gì nâng lãi suất lên, trừ những ngân hàng quá thiếu tiền. Cơ chế hành chính là cần thiết trong một số thời điểm gay go nhưng nó cần bỏ đi khi những người chơi trên thị trường đã tốt lên.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng mặc dù tự do hóa lãi suất sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho nền kinh tế, song nó cũng có thể tạo áp lực giảm tăng trưởng và tăng sự biến động của thị trường tài chính trong ngắn hạn. Đây chính là khó khăn và thách thức với cơ quan quản lý để thực hiện cải cách mà vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế.