Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm năm 2015:
Bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế và an sinh xã hội
(Tài chính) Với mục tiêu tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 vừa được ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp.
Theo một số ý kiến chuyên gia, quy định này góp phần chấm dứt tình trạng như năm ngoái khi có Bộ còn 91 dự án phải dừng, giãn, hoãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, nhưng vẫn khởi công xây dựng nhiều dự án mới với tổng mức đầu tư là 204.373 tỷ đồng.
Trước đó, theo Thanh tra Chính phủ, năm 2014, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, các Bộ, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án, tiến hành rà soát, dừng, giãn, hoãn nhiều dự án và có các biện pháp xử lý kịp thời để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Thống kê cho thấy, tổng số các dự án phải dừng, giãn, hoãn trong năm 2014 là 106 dự án với tổng mức đầu tư là 78.017 tỷ đồng. Đặc biệt, có Bộ đã rà soát lại quy mô dự án, cắt giảm 35.517 tỷ đồng, chuyển đổi 48 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng số tiền là 117.000 tỷ đồng.
Đánh giá của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy thời gian qua, do có nhiều biện pháp được triển khai trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nên đã cơ bản khắc phục được tồn tại về phân bổ vốn đầu tư dàn trải, hạn chế được tình trạng quy mô và đầu tư bất hợp lý… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng tại các bộ, ngành vẫn còn có tồn tại như: Chưa tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Việc bố trí vốn đầu tư đối với dự án chuyển tiếp chưa đúng theo quy định…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục công tác chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10-15% tổng mức đầu tư. Không tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Về quản lý, sửa dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công, thực hiện nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật; sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.
Chi tiêu tiết kiệm để tạo nguồn cải cách tiền lương
Trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chi tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương. Đây là một trong những nội dung nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội.
Trước đó, tại Thông tư số 211/2014/TT-BTC, nhằm hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, đặc biệt về thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2015, Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các đơn vị chủ động tiết kiệm 10% chi thường xuyên (ngoài lương và các khoản có tính chất lương) dự toán năm 2015 tăng thêm so với dự toán năm 2014. Một phần nguồn thu sẽ được để lại theo chế độ quy định, nguồn cải cách tiền lương còn dư các năm trước chuyển sang năm 2015 (nếu có) để thực hiện tăng lương cho người có thu nhập thấp theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2015 (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính đã hướng dẫn. Đồng thời, các cấp địa phương khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc không bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên năm 2015 (không kể các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, Nghị định 96/2010/NĐ-CP của Chính phủ và cơ quan Nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính) để thực hiện chế độ cải cách tiền lương trong năm 2015, trong đó thực hiện tăng lương cho người có thu nhập thấp theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.
Các địa phương phải sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2014 so với dự toán (không kể số tăng thu tiền sử dụng đất) được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2015 so dự toán năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ giao; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2014 chưa sử dụng chuyển sang; 10% tiết kiệm dự toán chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán chi năm 2015 tăng thêm so dự toán chi năm 2014 đã được cấp có thẩm quyền giao; 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2015... nhằm tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
Trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm ít nhất 50% số giờ nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm);...