Bổ sung quy định chi tiết về thuế giá trị gia tăng trong hoạt động dạy học, dạy nghề
Hoạt động dạy học, dạy nghề là một lĩnh vực đặc thù, có vai trò quan trọng trong sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Nhằm đảm bảo chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) được áp dụng thống nhất, đồng thời tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế GTGT đã đề xuất quy định chi tiết nội dung liên quan đến hoạt động này.

Theo quy định tại khoản 13, Điều 5 Luật Thuế gia trị gia tăng (GTGT) hiện hành: “Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế.
Cụ thể hơn, tại khoản 13, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ phạm vi không chịu thuế, bao gồm cả các hoạt động như dạy ngoại ngữ, tin học, múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao, nuôi dạy trẻ và các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thực tế cho thấy, một số khoản thu như tiền ăn, tiền vận chuyển do các cơ sở dạy học thu hộ thường gây lúng túng trong xác định nghĩa vụ thuế. Các khoản này, về bản chất, không phải là hoạt động kinh doanh của cơ sở giáo dục, song lại liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do bên thứ ba cung cấp nên vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Để khắc phục điểm chưa rõ ràng này, dự thảo Nghị định đề xuất nội dung cụ thể: “Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp các cơ sở dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế GTGT theo quy định.”
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định chi tiết này nhằm đáp ứng một số mục tiêu quan trọng: Thực hiện đúng nhiệm vụ lập pháp được Luật Thuế GTGT giao; kế thừa các nội dung đã được hướng dẫn ổn định trong Thông tư hiện hành; đồng thời đảm bảo chính sách phù hợp với thực tiễn, hạn chế vướng mắc trong thực hiện.
Đánh giá tác động cho thấy, quy định không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ đối với người nộp thuế, không gây trở ngại cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về mặt pháp lý, quy định này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm không xung đột với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chính sách không gây ảnh hưởng về giới và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
Việc lựa chọn giải pháp quy định chi tiết tại Dự thảo Nghị định là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với thẩm quyền được Quốc hội giao, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và khả thi trong áp dụng pháp luật về thuế GTGT đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Đây cũng là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục hoạt động đúng quy định, không bị phát sinh nghĩa vụ thuế không phù hợp.