Bộ Tài chính phổ biến, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Văn Trường

(Tài chính) Sáng 26/2, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đến toàn thể cán bộ công chức cơ quan Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, thành viên sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phổ biến những điểm mới sửa đổi, bổ sung các điều của Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi 2013) đến toàn thể Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị là quán triệt Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ban hành kèm theo Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 11/01/2013; đồng thời triển khai việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức trong ngành Tài chính bảo đảm thực hiện tiến độ theo các Kế hoạch trên.

Bộ Tài chính phổ biến, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: FinancePlus.vn

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã nêu ra các nguyên nhân cơ bản cần phải sửa đổi Hiến pháp 1992, là thời điểm hệ thống pháp luật của nước ta chưa phát triển, cả nước chỉ có 93 Luật và Pháp lệnh với những nội dung quy định trọng Luật thì lại đưa vào Hiến pháp. Chính điều này đã khiến những nội dung nêu trong Hiến pháp nhanh chóng lạc hậu đặc biệt trong thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, sau khi kinh tế bị chững lại đã đặt ra một số vấn đề về thể chế phải đổi mới sao cho phù hợp hơn với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển kinh tế. Vì vậy, Đại hội XI của Đảng đã xác định, đổi mới toàn diện về thể chế chính trị để tạo tiền đề cho kinh tế phát triển. Ngoài ra, Hiến pháp 1992 với nhiều điểm mang tính khẩu hiệu, tuyên ngôn không còn đúng chức năng là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản.

Giới thiệu về những điểm mới của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, cơ cấu Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi năm 2013) được rút ngắn xuống còn 11 chương, 124 điều (thay vì 12 chương và 147 điều như trong Hiến pháp năm 1992). Đáng nói, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung, sửa đổi tới 101 điều và rút gọn lại và bỏ đi những câu chữ khẩu hiệu, tuyên ngôn.

Đáng chú ý, tại Điều 6 (Sửa đổi, bổ sung điều 6), Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích làm rõ, quyền làm chủ của “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội…” Ngoài ra, những điểm mới của dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn nêu rõ những điểm mới tại các điều như: Điều 16, Điều 21, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 59…

 Đặc biệt, tại Chương II của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tách biệt với quyền con người (Điều 16 mới). Những điểm mới này được nhiều ý kiến hoan nghênh là đã làm rõ và tách biệt được quyền con người  và quyền công dân trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia. 

Bộ Tài chính phổ biến, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: FinancePlus.vn

Chương III và Chương IV của Hiến pháp năm 1992 đã được gộp lại thành chương III trong Dự thảo Hiến  pháp sửa đổi, bổ sung. Trong chương III này đã bỏ hình thức liệt kê các thành phần kinh tế mà thay vào đó là bằng 2 nội dung tuyên bố chung nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật (Điều 54 sửa đổi bổ sung các điều 15,16,19,20,21 và 25)

Đối với các cán bộ, công chức ngành Tài chính tham gia đóng góp ý kiến tập trung vào các quy định có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và các lĩnh vực được phân công phụ trách nói riêng. Ý kiến tham gia cụ thể vào từng nội dung, phải nêu rõ lý do của việc tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi dự thảo.

Sau Hội nghị phổ biến, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (ngày 26/2) tại Bộ Tài chính sẽ được Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) tổng hợp, báo cáo Bộ và gửi sang Bộ Tư pháp trước ngày 15/3/2013.