Bộ Tài chính quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”

PV.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước một số vụ việc tiêu cực vừa qua của số ít cá nhân trong ngành Tài chính, ông Phạm Đức Thắng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính kiên quyết không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Phạm Đức Thắng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính). Nguồn: internet
Ông Phạm Đức Thắng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính). Nguồn: internet

Kịp thời xác minh, xử lý các vụ việc tiêu cực

Vừa qua, báo chí có phản ánh 2 vụ việc tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và công chức Chi cục Hải quan Cảng Đình Vũ, Cục Hải quan TP. Hải Phòng.  Ngay khi báo chí đưa tin, Bộ Tài chính cũng như các Tổng cục đã triển khai ngay các biện pháp để xử lý đối với công chức vi phạm.

Theo đó, ngày 5/4/2018, sau khi phát hiện sự việc, Cục Thuế Quảng Ninh đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Quốc Hùng, Phó Phòng Tuyên truyền hỗ trợ.

Về vụ việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ, ngay sau khi có thông tin trên Báo Lao động vào sáng ngày 9/4/2018, ngay chiều cùng ngày, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông báo ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương làm rõ nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trước 9 giờ ngày 10/4/2018.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống hải quan thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ công chức, kiên quyết đưa ra khỏi ngành các công chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, vi phạm kỷ luật.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay trong ngày 9/4/2018, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan TP. Hải Phòng tạm đình chỉ ngay các công chức hải quan có liên quan, làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể và cá nhân có sai phạm.

Trả lời phỏng vấn báo chí về vụ việc trên, ông Phạm Đức Thắng cho biết, việc đình chỉ công tác chỉ là bước đầu để có thời gian kiểm tra, xem xét, làm rõ. Sau khi xác định rõ mức độ vi phạm, Bộ Tài chính sẽ có quyết định về hình thức kỷ luật trên tinh thần xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thắng cho biết thêm, Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ giao quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách và nhiều lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, có sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, bên cạnh những việc báo chí, người dân, doanh nghiệp phản ánh, hàng năm, ngành Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2014 đến tháng 12/2017, toàn Ngành đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 99 trường hợp, cách chức 32 trường hợp và giáng chức 6 trường hợp.

Quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”

Với tinh thần quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”, quan điểm của Bộ Tài chính là không bao che, xử lý sai phạm đúng người, đúng tội. Theo đó, ông Phạm Đức Thắng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, công chức trong Ngành, trong đó, chú trọng thực hiện 06 nội dung trong tâm:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ; Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, giảm dần tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức thông qua việc mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; Đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử, kiểm tra trước hoàn thuế; Thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39, Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, xây dựng, cụ thể hóa các quy chế, quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đồng thời phù hợp với thực tế của ngành đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh về chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn sâu, sẵn sàng đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; Tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm trách nhiệm vai trò của người đứng đầu đơn vị mình quản lý để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, ngoài những biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý những những nhiễu, tiêu cực nêu trên, mỗi cán bộ, công chức ngành Tài chính cần phải tự rèn luyện để có đức, có tài, đủ tầm đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”.