Ông Hà Duy Tùng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính):

Bộ Tài chính thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực thông qua thực hiện các FTA (*)


Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực thông qua thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham gia đàm phán các hiệp định: FTA Việt Nam – Israel, Hiệp định Thương mại Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (Việt Nam-EFTA) và Hiệp định FTA Việt Nam-Anh. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp luật về thuế, hải quan.

Đặc biệt, để thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020-2022.

Thành công trong đàm phán, ký kết các FTA, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thống kê từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm.

Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng xuất, nhập khẩu vẫn ghi nhận chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu cũng gặp nhiều thách thức, do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, trên tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020), Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa hợp lý, tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế.

Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu NSNN nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA; tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tiết kiệm chi phí...

(*) Trích lược từ bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2/2021.