Bộ Tài chính: Ưu đãi thuế cho sản xuất, xuất khẩu

Theo Hanoimoi

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm tăng thu, giảm chi ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa theo hướng thắt chặt, Bộ Tài chính sẽ điều hành giá theo định hướng thị trường và quyết liệt cắt giảm những dự án đầu tư kém hiệu quả. Hàng loạt chính sách ưu đãi thuế sẽ được thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Giảm cho vay khu vực phi sản xuất

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ với những định hướng cơ bản nhằm giữ ổn định nền kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng, Bộ Tài chính đã đề xuất 4 nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa, hỗ trợ sản xuất xuất khẩu, điều hành giá và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ được điều hành theo hướng chặt chẽ, linh hoạt nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Chính sách tài chính - ngân sách sẽ theo hướng thắt chặt, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), chống thất thu và giảm nợ đọng thuế. Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm 2011. Tại lĩnh vực chi đầu tư công, Bộ Tài chính chủ trương không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ theo kế hoạch năm 2011; giảm tối thiểu 10% tổng mức đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước; ưu tiên vốn tín dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và giảm cho vay đối với khu vực phi sản xuất...

Nhóm giải pháp thứ 2 là đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giảm nhập siêu. Theo đó, sẽ xem xét miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế với nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu; tiếp tục tạm hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011. Bộ Tài chính sẽ rà soát để giảm thuế đối với những nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được và nghiên cứu tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với những mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu... Nhóm giải pháp thứ 3 về quản lý, điều hành giá sẽ được Bộ Tài chính điều hành theo tín hiệu thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, từng bước xóa bỏ bao cấp về giá, hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Với hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện, sẽ điều hành giá theo hướng giảm dần sự bao cấp của Nhà nước. Nhóm giải pháp thứ 4 về an sinh xã hội, sẽ tập trung hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo xuất khẩu lao động, đẩy mạnh việc cho học sinh, sinh viên vay vốn... Bổ sung chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá điện...

Quyết liệt cắt giảm đầu tư công

Để thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, hàng loạt khoản chi từ NSNN sẽ được rà soát, cắt giảm nhằm giảm tổng chi ngân sách. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, trong năm 2011, sẽ tạm ngừng việc trang bị mới ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng, giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; không bố trí ngân sách cho các việc chưa thật sự cấp bách. Bộ Tài chính sẽ rà soát những dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, loại bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả... Trên cơ sở phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, sẽ giảm bội chi ngân sách năm 2011 xuống mức dưới 5% GDP và bảo đảm dư nợ công trong giới hạn an toàn...

Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách tiền tệ - tài khóa thắt chặt nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt và thận trọng là phương án đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, để kiềm chế lạm phát, một trong những việc cần làm ngay là cắt giảm đầu tư, đặc biệt là những dự án kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhằm giảm tổng cầu. Bên cạnh đó, xem xét đánh giá lại các dự án đầu tư công và khu vực DN nhà nước. Dự án nào chưa thật cần thiết nên kiên quyết cắt bỏ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sĩ Kiêm, khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt không có nghĩa là phải thắt chặt hết. Bởi khu vực nào làm ăn hiệu quả, thực sự cần vốn thì vẫn phải bơm đủ, kịp thời, tránh để tình trạng nơi làm ăn tốt phải chịu thiệt thòi. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong dài hạn để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và giúp tăng trưởng kinh tế ổn định, Nhà nước nên đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân, nơi có đóng góp khá lớn vào tốc độ tăng GDP và tạo nhiều việc làm cho xã hội. Trước mắt, cần giúp khu vực này tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời tạo thuận lợi cho họ trong sản xuất, kinh doanh…