Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ Tài chính đang xin ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đảm bảo đồng bộ với những quy định tại Luật Chứng khoán 2019
Theo đó, những đề xuất tại Dự thảo Nghị định nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo đồng bộ với những quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường và giải quyết được những bất cập trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo các quy định đã ban hành trước đây.
Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 47 Điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo Dự thảo Nghị định, có ba hình thức xử phạt chính với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gồm cảnh cáo và phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Cơ quan soạn thảo đề xuất mức tiền phạt vi phạm tối đa lên tới 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng thông tin nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 10 lần khoản thu trái pháp luật, đối với cá nhân vi phạm là 05 lần khoản thu trái pháp luật.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân.
Mức phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Sẽ bổ sung hình thức phạt bổ sung
Về hình thức phạt bổ sung, Dự thảo Nghị định quy định sẽ đình chỉ từ 01 tháng đến 24 tháng đối với: hoạt động chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, bù trừ; hoạt động giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung, Dự thảo Nghị định cũng quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
Thứ nhất, buộc thực hiện phát hành theo đúng phương án đã đăng ký; thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) và tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc; thu hồi số cổ phiếu phát hành thêm; Buộc hoàn trả chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng;
Thứ hai, buộc công bố thông tin; hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin sai lệch; báo cáo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán;
Thứ ba, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
Thứ tư, buộc chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; mua tiếp số cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đóng còn lại sau khi thực hiện chào mua công khai; từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm;
Thứ năm, buộc chuyển nhượng chứng khoán để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định; khôi phục số chứng khoán đã chuyển nhượng trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng hoặc trong trường hợp pháp luật quy định không được chuyển nhượng;
Thứ sáu, buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị về việc thay đổi mục đích, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán;
Thứ bảy, buộc lưu ký, quản lý tách biệt tài sản, vốn, chứng khoán, vị thế giao dịch;
Thứ tám, buộc hủy bỏ quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, quy tắc đạo đức hành nghề không đúng quy định pháp luật; gỡ bỏ trang thông tin điện tử, phần mềm, hệ thống giao dịch và các trang thiết bị khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;
Thứ chín, buộc dừng thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng; thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký công ty đại chúng theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Thứ mười, buộc dừng thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng hoặc buộc giảm giá trị bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo đúng quy định;
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể không cho tiếp tục giao dịch đối với mã chứng khoán bị thao túng trên tài khoản đã cho mượn dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán trong thời hạn từ 1 năm đến 2 năm.
Dự kiến sau khi có hiệu lực, Dự thảo Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/ 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.