Bộ Tài chính yêu cầu địa phương "thắt hầu bao"

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Những dự án đầu tư được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng tới hết ngày 30/6 vẫn chưa triển khai thủ tục như chọn thầu, ký hợp đồng,... sẽ bị thu hồi vốn để đảm bảo quản lý ngân sách chặt chẽ hơn.

Bộ Tài chính yêu cầu địa phương "thắt hầu bao"
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các chương trình, dự án, đề tài được bố trí ngân sách nhưng tới hết quý 3 chưa triển khai thực hiện để đề nghị tạm dừng, chưa thực hiện. Nguồn: internet

Bộ Tài chính vừa gửi yêu cầu tới các địa phương, Bộ, ngành trong văn bản số 12067/BTC-HCNS.

Thắt chặt chi tiêu

Theo đó, với những công trình mới được khởi công trong năm 2013 của các địa phương, Bộ, ngành nhưng tới hết 30/6 các đơn vị, cơ quan chưa tới Kho bạc Nhà nước mở tài khoản giao dịch, Bộ Tài chính cũng đề nghị sẽ thu hồi vốn.

Ngoài ra, để siết quản lý chi ngân sách, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các chương trình, dự án, đề tài được bố trí ngân sách nhưng tới hết quý 3 chưa triển khai thực hiện để đề nghị tạm dừng, chưa thực hiện.

Cũng để tiết kiệm, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị siết lại đặc biệt là việc mua sắm xe công, chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu hay những khoản dành cho tổ chức lễ hội, tổng kết, ký kết...

Bộ Tài chính cũng yêu cầu giảm bớt các hội họp bằng cách kết hợp các loại cuộc họp với nhau để giảm chi phí. Ngoài ra, tùy theo tính chất của từng buổi họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ thành phần và số lượng người tham dự để đảm bảo tiết kiệm.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng cho rằng các cơ quan  Bộ, ngành, địa phương nên tăng cường họp trực tuyến để hạn chế chi phí đi lại, ăn ở.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát triệt để giúp ngăn chặn tình trạng kết hợp đi công tác với tham quan, du lịch.

"Trong trường hợp phải tổ chức đoàn công tác, phải xác định cụ thể nhiệm vụ của từng người trong đoàn. Các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới cũng phải đảm bảo gọn nhẹ, tiết kiệm, không được tổ chức đón tiếp tốn kém," văn bản nêu rõ.

Thu ngân sách khó khăn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng chi ngân sách nhà nước vượt thu hơn 130.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/9, tổng thu ngân sách được 505,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt mức cao nhất: 331,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7% dự toán; thu từ dầu thô đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán.

Chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/9 đạt 640,37 nghìn tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán năm. Trong đó, cấp phát và thanh toán chi đầu tư phát triển đạt 114,06 nghìn tỷ đồng, bằng 65,2% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 453 nghìn tỷ đồng, bằng 67,2% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 73,31 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán.

Đánh giá về tình hình thu, chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạc và Đầu tư cho biết, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, tình hình thu ngân sách từ nay đến cuối năm là rất khó khăn, và khả năng đạt được mục tiêu đề ra đối với các địa phương là không hề dễ dàng.

Thu ngân sách khó, song tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đang đề xuất nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP năm nay lên 5,3% GDP cho năm sau xuất phát từ nhu cầu đầu tư đang rất lớn mà lại thiếu vốn. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho các mục tiêu, và Chính phủ cam kết dùng hết số tăng bội chi cho đầu tư phát triển.

“Trước đây cứ 100 đồng GDP chúng ta có trên 30 đồng để đầu tư, nay chỉ còn 19 đồng", ông bày tỏ.

Bên cạnh đó, nới trần bội chi, tức cho phép tăng chi tiêu công cũng là biện pháp để đảm bảo kinh tế 2014 tăng trưởng hợp lý khoảng 5,5-5,8%, người phát ngôn của Chính phủ cho hay.

Tuy nhiên đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại. Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cũng cho rằng trong 2 năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu.

“Cần tăng trần bội chi ngân sách thay vì mức 4,8% GDP hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng mỗi năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở”, ông Lịch nói.Trước đó chuyên gia kinh tế Bùi Trinh “đòi” các chuyên gia kinh tế gây sức ép với Chính phủ điều hành theo hướng quản lý tổng cầu phải có trách nhiệm với khó khăn trầm trọng của nền kinh tế hiện nay.

Cuộc tranh luận sau đó đã không thể ngã ngũ khi các ý kiến rất khác nhau. Bên cạnh một số vị đồng ý phải trọng cung, có ý kiến cho rằng lúc đó nên tiếp tục quản lý cầu, quan điểm khác là trọng cả hai.
Có ý kiến thì cho rằng tăng bội chi không phải là phép thần để cứu nền kinh tế, thậm chí có nhiều tác dụng phụ. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mức bội chi trên 5% sẽ là đáng báo động. "5% được xem là điểm cảnh báo, qua mức này thì coi như bị lũ lụt, không giải quyết được tình hình kinh tế", ông nhận định.