Bộ trưởng 16 nước đàm phán RCEP tại Nhật Bản
Ngày 1/7, Bộ trưởng 16 nước châu Á - Thái Bình Dương đã họp tại Tokyo (Nhật Bản) để đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), trong bối cảnh những lo ngại từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.
Tại cuộc họp do Nhật Bản và Singapore đồng chủ trì, các bên mong muốn thu hẹp những bất đồng và kết nối những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, tài sản trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về RCEP. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên tổ chức ở một quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á.
16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, đại diện gần 1/3 tỷ trọng thương mại và kinh tế toàn cầu, đều hy vọng sẽ sớm đạt được tiến triển trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu. Đại diện của Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã tham dự đàm phán lần này và hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản Hiroshige Seko.
Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp chung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, các cuộc họp đàm phán RCEP càng gây chú ý hơn và được xem như cơ hội kiểm chứng các quốc gia châu Á có thể đoàn kết, bảo vệ chủ nghĩa tự do thương mại hay không. Ông Abe cũng kêu gọi thiết lập một thị trường tự do, công bằng và dựa trên các luật định.
RCEP bao gồm 16 thành viên, chiếm 13% GDP toàn thế giới. Kể từ khi các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2013 cho tới nay, các quốc gia mới chỉ nhất trí được 2 trong số 18 điều khoản cần thống nhất. Trong khi một số quốc gia như Nhật Bản muốn nâng cao cấp độ tự do thương mại thì Trung Quốc và Ấn Độ lại tỏ ra thận trọng hơn.
Hồi tháng Ba vừa qua, các bộ trưởng đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực để có thể thống nhất một thỏa thuận trong năm nay tuy nhiên vẫn lưu ý những khác biệt còn tồn tại. Nhật Bản cũng ủng hộ mục tiêu của các quốc gia ASEAN nhằm kết thúc quá trình đàm phán vào cuối năm nay trong khi cũng hướng tới một thỏa thuận thương mại cân đối và chất lượng cao.
16 quốc gia đàm phán RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.