Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu tài chính - ngân sách nhiệm kỳ 2016 - 2020
Kết quả về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đạt được năm 2019 là toàn diện và tích cực trong bối cảnh Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt với những khó khăn, thách thức... Đây là tiền đề quan trọng để đất nước ta tự tin hơn khi bước vào năm 2020, năm cuối của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, từ đó đặt ra các mục tiêu phấn đấu cho giai đoạn tới. Tạp chí Tài chính lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019. Tiêu đề và các tít nhỏ của bài viết là do Tòa soạn đặt.
Kết quả thu - chi ngân sách nhà nước rất tích cực
Có thể nói đến thời điểm này, ngành Tài chính đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2019:
Thứ nhất, kết quả thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) là rất tích cực, tiếp tục cơ cấu lại thu - chi, bội chi và nợ công, góp phần thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu tài chính - ngân sách nhiệm kỳ 2016-2020.
Thu NSNN vượt trên 8% so với dự toán, tương đương tăng khoảng 110.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. Sơ bộ cả 63/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán tổng thu nội địa. Thu ngân sách trung ương (NSTW) tiếp tục vượt dự toán với số vượt thu ròng c ao hơn số vượt thu năm 2018. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,4% GDP, vượt mục tiêu kế hoạch là 23,5% GDP. Cơ cấu thu nội địa trong tổng thu tăng dần, năm 2019 là 82% và năm 2020 dự kiến đạt gần 84%. Thu dầu thô năm 2018 còn 3,6%, thu xuất nhập khẩu còn 14,2%, tỷ trọng thu nội địa là chủ yếu.
Quản lý chặt chẽ chi ngân sách trong phạm vi dự toán; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên, kết hợp cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Tổng chi đầu tư phát triển của NSNN 5 năm 2016 - 2020 ước vượt mức kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 27-28% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%). Tỷ trọng chi thường xuyên không bao gồm chi cải cách tiền lương năm 2019 khoảng 60,35%, dự toán năm 2020 là 60,5% (mục tiêu là năm 2020 dưới 64%).
Bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% GDP thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016. Nợ công tiếp tục được cơ cấu lại, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ. Cụ thể, kỳ hạn phát hành bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018, làm giảm chi phí nợ công. Lãi suất phát hành bình quân 11 tháng đầu năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2% - 1,6%/năm so với đầu năm 2019. Tỷ trọng vay trong nước dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ, tăng so với mức 60,1% năm 2016.
Với những kết quả này, Bộ Tài chính đánh giá khả năng cơ bản hoàn thành các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm, góp phần tích cực vào ổn định vĩ mô và việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhiệm kỳ 2016-2020.
Thứ hai, cùng với quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Khóa XII, của Quốc hội, của Chính phủ, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính – ngân sách, hoàn thành 100% đề án Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính và giảm thiếu rủi ro thanh khoản cho nền kinh tế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách...; Đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Nghị quyết về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách; trình Chính phủ ban hành các nghị định tăng cường quản lý, khai thác tài sản công, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam...
Thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nhờ vậy, trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 24/10/2019 thì Chỉ số về thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc.
Ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương. Đến nay đã thực hiện cắt giảm được tổng thể 2.901 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến địa phương (riêng năm 2019 giảm được 2.172 đầu mối), trong đó riêng hệ thống thuế năm 2019 giảm được 1.968 đầu mối, Hải quan giảm được 12 đầu mối, Kho bạc Nhà nước giảm được 191 đầu mối. Thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành Tài chính nên lũy kế 2 năm 2019-2020 đã tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng.
Khắc phục những hạn chế, tồn tại
Mặc dù kết quả của năm 2019 là khá toàn diện và tích cực, nhưng cũng còn có điểm hạn chế mà nếu chúng ta khắc phục được thì kết quả còn tích cực hơn. Dưới góc độ tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ra một số điểm như sau:
Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công..., nhưng nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư NSNN năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,82%, ước năm 2019 đạt 72,89% dự toán Quốc hội. Việc giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng đội vốn công trình/dự án, uy tín của Việt Nam với các chủ nợ, nhà tài trợ,..., đồng thời, cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và kể cả thu NSNN ở một số địa phương.
Thứ hai, việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN còn rất chậm. Việc phân định trách nhiệm xử lý tài chính của một số DNNN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ một số chủ nợ, từ đó ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Tiến độ cổ phần hóa các DNNN rất chậm. Trong năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 36/128 DN cổ phần hóa thuộc kế hoạch giai đoạn 2017 – 2020 (đạt 28% kế hoạch); số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ năm 2019 khoảng 14.000 tỷ đồng/50 nghìn tỷ dự toán nộp NSNN. Như vậy, số nộp NSNN năm 2019 chủ yếu là nhờ số thu phát sinh các năm trước chuyển sang
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính, kỷ luật kỷ cương tài chính – NSNN còn hạn chế. Năm 2019, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những cải cách về thuế, tạo bước cải thiện vượt bậc về điểm số. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức rằng chỉ số xếp hạng còn thấp (xếp thứ 109/190 nước), vì vậy, cần phải cải thiện thêm. Bên cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật, sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm ở nhiều ngành, nhiều cấp khiến cho việc xử lý tài chính còn lớn...
Nỗ lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh một số giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, đó là:
Một là, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng; tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Đối với công tác thu NSNN, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách, đặc biệt là những khu vực, lĩnh vực, đối tượng rủi ro cao và nhiều dư luận xã hội... quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, gian lận thương mại...; phấn đấu tăng thu ngân sách trên 3% so với dự toán giao.
Đối với chi đầu tư NSNN, cần triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công mới được sửa đổi năm 2019, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong việc giao và giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để đảm bảo năm 2020 giải ngân hết vốn đầu tư NSNN của không chỉ dự toán năm 2020 mà còn cả vốn đầu tư của những năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang. Đối với chi thường xuyên, cần triệt để tiết kiệm, đặc biệt là trong mua sắm trang thiết bị, ô tô, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Đối với các địa phương cần chú ý đảm bảo thực hiện chi tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong đó có việc dành 70% tăng thu thực hiện ngân sách địa phương từ năm 2019 (thay vì 50% như những năm trước). Đối với vay và trả nợ, Bộ Tài chính kiên quyết điều hành trong phạm vi dự toán để kiểm soát bội chi cả về số tuyệt đối và số tương đối, đảm bảo nợ công dưới giới hạn quy định, tiếp tục cải thiện dư địa chính sách tài khóa...
Hai là, ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế, đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động chuẩn bị, tham gia các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) để chuyển hóa thành các chương trình, hoạt động cụ thể.
Ba là, năm 2020 cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Thời gian qua nhiều bộ, ban ngành, địa phương đã làm tốt, nhưng nếu nhìn rộng ra thì các nước cũng đang làm và họ làm còn tốt hơn chúng ta (mặc dù các chỉ số môi trường kinh doanh năm 2019 có cải thiện so với năm 2018, nhưng xếp hạng của Việt Nam lại giảm 1 bậc). Trong một thế giới phẳng như hiện nay và đối với một nền kinh tế có độ mở thuộc hàng cao nhất trong khu vực và trên thế giới như chúng ta thì những cải cách về thế chế là một trong những yếu tố quyết định trong việc thu hút đầu tư.
Bốn là, thực hiện nhanh việc sắp xếp lại các DNNN, đặc biệt là nhóm các DNNN làm ăn thua lỗ, đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác cổ phần hóa. Đây là công tác quan trọng, ảnh hưởng đến cân đối thu NSTW vì chúng ta không còn nguồn thu từ các năm trước (dự toán khoản thu này trong năm 2020 là 45 nghìn tỷ đồng).
Năm là, tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công, làm cơ sở nâng cao tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại NSNN. Bên cạnh đó, căn cứ mức độ biến độ giá năm 2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép điều chỉnh một số giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn quản lý theo hướng sát hơn với giá thị trường, góp phần phân bổ, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của nền kinh tế.
...Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 là khá nặng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tin tưởng rằng với phương châm “Kỷ cương”, “Liêm chính”, “Hành động”, “Sáng tạo”, “Trách nhiệm”, “Hiệu quả” trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, năm 2020 tiếp tục là một năm chúng ta gặt hái được nhiều thành công trong điều hành KT-XH và tài chính – NSNN.