Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):
Bộ trưởng Đặng Việt Châu – Người có nhiều đóng góp cho ngành Tài chính cách mạng Việt Nam
Trong lịch sử 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam vinh dự và tự hào được nhiều nhà tiền bối cách mạng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng. Đối với Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Đặng Việt Châu, những dấu ấn mà ông để lại cho ngành Tài chính là hết sức sâu sắc và đặc biệt.
Đồng chí Đặng Việt Châu (tức Đặng Hữu Rạng) sinh ngày 2/7/1914 tại làng Mụa (Thái Bình); quê quán thôn Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông là con thứ ba của cụ tú Đặng Hữu Mai và cụ bà Vũ Thị Miện.
Đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước ở các thời kỳ khác nhau: Bí thư tỉnh ủy Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Yên, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Liên khu IV, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước…, cuộc đời đồng chí Đặng Việt Châu là chặng đường liên tục phấn đấu, rèn luyện, tự học và tu dưỡng để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Đối với lịch sử ngành Tài chính, đồng chí Đặng Việt Châu là lớp cán bộ lãnh đạo đặt nền móng phát triển, cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Hoàng Anh… Đó là thời kỳ mở đầu giai đoạn xây dựng nền tài chính cách mạng, thời đại Hồ Chí Minh. Có thể nói, những gì đồng chí Đặng Việt Châu để lại trong 10 năm đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng vẫn còn đó những giá trị và bài học kinh nghiệm bổ ích cho công tác quản lý.
Trong gần 10 năm ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính (tháng 5/1965-tháng 3/1974) là giai đoạn ngành Tài chính Việt Nam phải gánh vác những trọng trách vô cùng khó khăn, thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Đây cũng là giai đoạn cả nước vừa xây dựng, kiến thiết, vừa dốc sức đánh Mỹ, miền Bắc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Ngành Tài chính cùng một lúc vừa phải đảm nhiệm hai sứ mệnh lớn và gian khó như nhau. Trong hoàn cảnh này, toàn Ngành vẫn không ngừng trưởng thành và phát triển để có những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi trên cả hai miền Nam, Bắc.
Đồng chí Đặng Việt Châu có một tầm nhìn chiến lược sâu rộng về kinh tế, tài chính đất nước, hiểu thấu đáo thêm nhiều vấn đề về kinh tế - tài chính phức tạp, khó khăn thời hậu chiến do chế độ cũ để lại. Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Đặng Việt Châu đó là lấy kinh tế, sản xuất, kinh doanh, hạch toán kinh tế, phấn đấu hạ giá thành, làm ra nhiều sản phẩm, dịch vụ là nền tảng của nguồn lực tài chính, của ngân sách nhà nước...
Trong bài viết “Tiền bối cách mạng có nhiều đóng góp cho ngành Tài chính Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế cho biết, có thể khái quát dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo của cố Bộ trưởng Đặng Việt Châu tập trung ở 3 điểm mấu chốt, đó là:
Thứ nhất, xây dựng được một ngân sách quốc gia tương đối an toàn và ổn định từ hai nguồn: Nội lực và viện trợ (chủ yếu từ các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa).
Thứ hai, nền tài chính đất nước phải dựa trên nền tảng phát triển vững chắc của kinh tế đất nước, dựa vào sức dân, vào nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, dịch vụ và của toàn xã hội.
Thứ ba, Bộ Tài chính phải tổ chức phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước, các Bộ chủ quản chuyên ngành và chính quyền các địa phương trong thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ tài chính mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, trong công tác đào tạo cán bộ tài chính, cố Bộ trưởng Đặng Việt Châu chỉ đạo mở rộng và nâng cao cả nội dung và chương trình đào tạo từ đội ngũ giảng dạy ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp của Ngành. Ngoài khối đào tạo chính quy và dài hạn, còn coi trọng đào tạo hệ chuyên tu, tại chức, đặc biệt vào những năm 1967 đến 1974, mở các lớp đào tạo gấp một số cán bộ tài chính là con em cán bộ miền Nam tập kết đã tốt nghiệp Đại học Tài chính được bổ túc thêm, chuẩn bị cán bộ cho ngành Tài chính kịp về tiếp quản miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, cố Bộ trưởng Đặng Việt Châu rất quan tâm đến đào tạo lớp cán bộ trẻ, lớp cán bộ cấp phòng, thường cho dự các cuộc họp mở rộng để lớp cán bộ này qua các cuộc họp được tiếp thu, học hỏi thêm, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm công tác...
Đồng chí Đặng Việt Châu là đại diện cho thế hệ chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Đảng ta, trưởng thành cùng với các phong trào cách mạng sôi nổi của Đảng trước năm 1945. Từ lúc bước chân vào cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp (năm 1931) đến khi qua đời (năm 1990), đồng chí Đặng Việt Châu luôn là tấm gương sáng của người đảng viên trung kiên, nhà lãnh đạo ưu tú và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.