Bộ Tài chính tổ chức tọa đàm “Đồng chí Đặng Việt Châu và sự nghiệp cách mạng”
(Tài chính) Chiều ngày 14/3 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ và Tạp chí Tài chính đã tổ chức Tọa đàm “Đồng chí Đặng Việt Châu và sự nghiệp cách mạng”. Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, đồng chí Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các vị nguyên lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, các nhà nghiên cứu sử học, đại diện dòng họ Đặng và các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài Ngành.
Tổng Biên tập Phạm Thu Phong phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm. Nguồn: FinancePlus.vn
|
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính khẳng định, gần 7 thập kỷ đã trôi qua kể từ thời điểm nền tài chính cách mạng Việt Nam ra đời cùng với Chính phủ và Nhà nước công nông non trẻ do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngành Tài chính đã không ngừng lớn mạnh và ở thời kỳ nào cũng đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đóng góp vào thành công to lớn đó có vai trò quan trọng của nhiều nhà lãnh đạo, người đứng đầu Ngành ở những thời kỳ khác nhau trong đó có Bộ trưởng Đặng Việt Châu. Càng tự hào và ngưỡng mộ hơn khi đồng chí Đặng Việt Châu đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đặc biệt là các lĩnh vực: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp khẳng định, trong lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam vinh dự và tự hào được nhiều vị tiền bối, lão thành cách mạng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng. Đó là các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Hoàng Anh, Đặng Việt Châu… Tuy đảm nhiệm cương vị người đứng đầu của Ngành ở các thời kỳ khác nhau nhưng điểm tựu chung là các bậc tiền bối, lão thành cách mạng nói trên đều để lại những dấu ấn quan trọng, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Ngành, không ngừng đưa sự nghiệp Tài chính Cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu, những dấu ấn mà đồng chí để lại cho ngành Tài chính rất sâu sắc và to lớn. Kế nhiệm đồng chí Hoàng Anh, Bộ trưởng Đặng Việt Châu gánh trọng trách đứng đầu của Ngành liên tục trong gần 10 năm (1965 - 1974). Thời kỳ này, ngành Tài chính vừa đảm nhiệm việc phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa dốc lực chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở hồi quyết liệt nhất tại miền Nam. Bằng tài năng và trí tuệ, bằng bề dày kinh nghiệm tổ chức, quản lý kinh tế, đồng chí Đặng Việt Châu cùng với tập thể đội ngũ cán bộ ngành Tài chính đã đưa sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm. Nguồn: FinancePlus.vn
|
Thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đặng Việt Châu (2/7/1914 - 2/7/2014), vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ; đồng thời nhằm tưởng nhớ vị Bộ trưởng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam, Bộ Tài chính tổ chức xuất bản cuốn sách “Đồng chí Đặng Việt Châu - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" nhằm vinh danh những đóng góp cho Đảng, cho Chính phủ, cho sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam của đồng chí Đặng Việt Châu; thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính hôm nay với các bậc tiền bối lớp trước, đồng thời có ý nghĩa tích cực nhằm không ngừng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ trong và ngoài Ngành, luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước phát triển để xứng đáng với những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh.
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cũng nhấn mạnh: “Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của các bậc lão thành cách mạng, trong đó có đóng góp to lớn của Bộ trưởng Đặng Việt Châu, những năm qua, ngành Tài chính đã có nhiều bước tiến không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao cho. Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, noi theo tấm gương các thế hệ đi trước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính ngày một trưởng thành và tiến bộ trên nhiều phương diện. Các thế hệ cán bộ, công chức của ngành Tài chính luôn phấn đấu trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, cùng nhau tô đậm thêm nét son Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư của người cán bộ tài chính Việt Nam”.
Với tham luận “Đồng chí Đặng Việt Châu – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.,TS. Đinh Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã tập trung vào những nét lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng chí Đặng Việt Châu. Tham luận của PGS.,TS. Đinh Quang Hải khẳng định: Đồng chí Đặng Việt Châu ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc từ lâu và quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người. Đặc biệt, khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt tại Hồng Kông vì Nguyễn Ái Quốc là một Lãnh tụ cộng sản, Đặng Việt Châu lại càng cảm phục và vô cùng ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc. Trong trái tim của chàng trai trẻ Đặng Việt Châu càng đập rộn ràng, thúc giục ông dấn thân vào con đường cách mạng để có thể cống hiến tài năng và sức trẻ cho đất nước và nhân dân đang chịu cảnh lầm than nô lệ dưới gót giầy xâm lược của thực dân Pháp. Sau này, trong những lần được gặp Hồ Chí Minh và được Người trực tiếp giao nhiệm vụ, được giúp đỡ, dạy bảo từng chi tiết lớn nhỏ trong cuộc sống, cũng như trong các lĩnh vực công tác và qua các tác phẩm, bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đồng chí Đặng Việt Châu có dịp được đọc, được học tập và nghiên cứu, đồng chí càng thấy thấm thía và trưởng thành rất nhiều. Trong những năm tháng làm việc được gặp gỡ, tiếp xúc và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với đồng chí Đặng Việt Châu có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt cả đời ông không bao giờ quên, đặc biệt là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm kinh tế cho Đặng Việt Châu…
Nhà sử học Dương Trung Quốc trình bày tham luận "Đặng Việt Châu và lớp người khai mở". Nguồn: FinancePlus.vn
|
Tham gia phát biểu tại Hội thảo với tham luận “Đặng Việt Châu và lớp người khai mở” nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã chỉ rõ: Trên những bước phát triển của nền kinh tế quốc dân, trải qua thử thách của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi quá trình thống nhất lãnh thổ và cơ cấu chính trị, cải tạo xã hội chủ nghĩa và Đổi mới..., Đặng Việt Châu luôn đứng trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo kinh tế và điều hành trên các cương vị; Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại thương rồi Trưởng ban Kinh tế - Tài chính của Trung ương Đảng... Đặng Việt Châu cũng là một nhà lãnh đạo xuất sắc các hoạt động kinh tế đối ngoại như người mở đường quan hệ với Trung Quốc ngay sau khi biên giới khai thông, tiến tới quan hệ với khối các nước Xã hội chủ nghĩa; đàm phàn hợp tác kinh tế với Pháp ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (với J.Sainteny - Tổng đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp tại Hà Nội); thiết lập quan hệ đối ngoại về kinh tế với một số nước trong khu vực và ngoài khối xã hội chủ nghĩa như Indonesia, Ấn Độ... Khi đã rời khỏi các hoạt động nhà nước, sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn tham gia nhiều đóng góp cho các hoạt động kinh tế từ những kinh nghiệm và niềm đam mê trọn đời cho đến khi nhắm mắt.
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Bộ trưởng Đặng Việt Châu. Nguồn: FinancePlus.vn |
Tham gia tại buổi tọa đàm còn có các ý kiến của đồng chí Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nam Định, các nhà sử học. Các ý kiến đều tập trung làm sáng tỏ thêm những đóng góp quan trọng của đồng chí Đặng Việt Châu cho Đảng, cho cách mạng, cho ngành Tài chính và các lĩnh vực khác của đất nước. Toàn bộ tư liệu, ý kiến tại buổi Tọa đàm sẽ được Bộ Tài chính tập hợp, biên soạn để xuất bản cuốn sách “Đồng chí Đặng Việt Châu - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”.
Cuối năm 1930, ở tuổi 16, đồng chí Đặng Việt Châu đã rời ghế nhà trường, trở thành người chiến sỹ cộng sản đấu tranh cho độc lập dân tộc. Tháng 3/1931, chưa tròn 17 tuổi, đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hoạt động tại cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ tại Hải Phòng. Cuối năm 1932, đồng chí Đặng Việt Châu bị địch bắt, kết án 5 năm tù, bị giam cầm, tù đày qua hàng loạt nhà lao nổi tiếng tàn ác của thực dân Pháp như Nhà lao Hải Phòng, trại giam Hoả Lò, nhà tù Sơn La.
Ngay sau khi được trả tự do, tháng 9/1936, đồng chí Đặng Việt Châu đã tham gia thành lập Liên tỉnh uỷ lâm thời: Hà – Nam - Thái rồi trực tiếp đảm nhiệm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định và được Xứ ủy Bắc Kỳ giao phụ trách 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình… Khôn khéo đấu tranh với địch lúc bí mật, khi công khai, đồng chí Đặng Việt Châu đã góp phần xây dựng phong trào cách mạng ở nhiều địa phương miền Bắc không ngừng lớn mạnh.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Đặng Việt Châu được Chính phủ giao đảm nhiệm các cương vị Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu VI. Bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã phát hiện ra tài năng tổ chức và quản lý kinh tế của đồng chí Đặng Việt Châu. Từ năm 1950, đồng chí đã được Đảng và Bác Hồ giao đảm nhiệm nhiều trọng trách liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính như: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương (1950-1960); Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1960-1965); Bộ trưởng Bộ Tài chính (1965-1974); Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trácch khối tài mậu kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (1974-1976); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (1976 -1980)...
Ghi nhận những công lao to lớn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp kiến thiết và phát triển kinh tế đất nước của đồng chí Đặng Việt Châu, năm 2007, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.