Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp cựu Phó Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức
Chiều 19/3, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp và làm việc với ông Philipp Rosler - Cựu Phó Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Concessor AG.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vui mừng chào đón ông Philipp Rosler - Cựu Phó Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Concessor AG đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là một nước có nền kinh tế với độ mở cao, dân số tương đối đông, mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực so với các nước trong khu vực, song Việt Nam vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm đột phá kinh tế để phát triển bền vững. “Hiện nay, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế là 3 ưu tiên của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, vấn đề hội nhập kinh tế cũng được Việt Nam chú trọng đặt lên hàng đầu và khẳng định sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng thông qua việc ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới…
Với nội dung trao đổi tại buổi làm việc giữa hai bên liên quan đến tài sản mã hoá, tiền số, Bộ trưởng cho hay, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý về tài sản mã hoá, trong đó có tiền số. Nhà đầu tư khi tham gia các sàn giao dịch này đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, các bộ, ngành của Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa.
Bộ trưởng nêu rõ, từ năm 2021, Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung pháp lý để quản lý, sử dụng tài sản mã hoá. Bộ Tài chính đã chủ động triển khai công tác nghiên cứu về tài sản mã hóa và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Theo đó, khi chưa có khung pháp lý và thực tiễn cho thấy vấn đề này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố, Bộ Tài chính đề xuất cần cấm các hoạt động liên quan hoạt động tài sản mã hóa (phát hành, giao dịch). Đồng thời, các bộ, ngành sẽ phối hợp để nghiên cứu, đưa ra phương án phù hợp cho vấn đề này.
Bộ trưởng chia sẻ, Bộ Tài chính mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Consessor AG trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp lý, cách thức quản lý của các nước đối với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, và xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản mã hóa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng quản lý, giám sát của Việt Nam.
“Việc phát hành tiền ảo ở mỗi quốc gia cần phải chú trọng đến hạn mức, bảo mật, chống được sự xâm nhập của hacker và chống được những rủi ro về lừa đảo. Đồng thời, các văn bản pháp luật phải được xây dựng như thế nào, cơ quan nào sẽ quản lý trực tiếp loại tiền này, thủ tục cấp phép và cách thức phát hành, quản lý ra sao… Khi nắm rõ được những nội dung này, chúng tôi mới có thể xây dựng hoàn thiện khung pháp lý trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định để triển khai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Philipp Rosler - Cựu Phó Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các cán bộ Bộ Tài chính Việt Nam đã dành thời gian đón tiếp chu đáo và trao đổi các nội dung công việc trọng tâm với ông và các cộng sự.
Trao đổi về vai trò của tiền số trong nền kinh tế và kinh nghiệm các nước quản lý tiền số; khuyến nghị và định hướng khung chính sách của Việt Nam…, ông Philipp Rosler khẳng định sẽ là người đồng hành, cung cấp các tài liệu liên quan để phía Bộ Tài chính Việt Nam nghiên cứu, tiếp cận với khung pháp lý cũng như các vấn đề xoay quanh việc quản lý tiền số của một số quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, cựu Phó Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức đưa ra khuyến nghị với Việt Nam về việc tổ chức các đoàn công tác sang thăm quan một số nước châu Âu để tìm hiểu, học hỏi hoặc cá nhân ông Philipp Rosler cũng có thể hỗ trợ kết nối với các cơ quan tại các nước châu Âu qua Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, làm rõ các vấn đề đưa ra để quản lý tiền số.
Cũng tại buổi làm việc, qua chia sẻ của ông Philipp Rosler về hỗ trợ xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế cho Việt Nam trong chuyến công tác lần này, Bộ trưởng cho biết, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Đà Nẵng đã xây dựng 02 Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế độc lập gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về các nội dung và kiến nghị chính sách theo chức năng, nhiệm vụ như: chính sách phát triển thị trường vốn, chính sách thuế và phân bổ nguồn thu, các chính sách đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, chính sách nhập cảnh, cơ chế huy động vốn vay ưu đãi của các tổ chức, doanh nghiệp, việc đề xuất thành lập Sở giao dịch hàng hóa phái sinh...
Với vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía Consessor AG cung cấp, chia sẻ kinh nghiệm của các nước liên quan để các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp đối với Việt Nam trong xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.