Bối cảnh Covid-19 càng thêm ngóng Mobile Money
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến người dân mong muốn các dịch vụ giao dịch không tiền mặt, không tiếp xúc, trong đó có Mobile Money nhanh chóng được triển khai.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý đầu năm, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị). Mặc dù con số tăng trưởng rất cao, song các chuyên gia đánh giá hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn chiếm phổ biến, đặc biệt giao dịch tại các chợ dân sinh, hay các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ.
Hạn chế rủi ro tiếp xúc
Tại Hà Nội, những ngày này, số lượng người chuyển sang mua bán online tăng cao, song chợ truyền thống vẫn là lựa chọn của rất nhiều gia đình. Chị Hồng Thuý (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Gần như ngày nào tôi cũng ra chợ mua thực phẩm cho các bữa ăn gia đình. Tình hình dịch bệnh khiến mọi người dân đều áp dụng 5K rất nghiêm túc, thế nhưng tờ tiền giấy thì ai cũng phải đưa, cầm, đếm và chuyển qua tay không biết bao nhiêu người. Tôi rất mong Nhà nước mau cung cấp dịch vụ tiền di động Mobile Money cũng như phổ cập nhanh chóng cho người dân để chúng tôi thêm yên tâm khi đi chợ", chị Thuý chia sẻ.
Theo chị Thuý, nếu như dịch vụ thanh toán số Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ) được áp dụng rộng rãi trong dịch Covid-19 thì nhiều người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn. Đồng thời thừa nhận, trong thời điểm dịch vụ này chưa được phổ cập, khi đến các điểm mua bán nhỏ lẻ như chợ dân sinh, cửa hàng tạp hoá…, nhiều người dân như chị vẫn phải dự trữ một khoản tiền mặt cố định để mua những vật dụng, đồ dùng cần thiết cho gia đình.
Thực tế, việc quẹt thẻ hay quét mã QR để thanh toán không tiền mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện nay đã dần dần hình thành thói quen với người dân. Nhưng khi ra chợ mua con cá, mớ rau mà đòi thanh toán quẹt thẻ hay trả bằng ví điện tử thì vẫn là chuyện lạ. Điều đó cho thấy những cách thanh toán không tiền mặt hiện nay vẫn chưa thể chạm đến tầng lớp người tiêu dùng bình dân nhất.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 với những rủi ro khi thanh toán tiền mặt đã được cảnh báo, các chuyên gia cho rằng cần phải đẩy nhanh dịch vụ thanh toán Mobile Money.
Về các hình thức giao dịch không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, cán bộ ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, dịch vụ Mobile Money đang được thí điểm sẽ bổ sung hình thức thanh toán mới cho người dân và doanh nghiệp, nhất là giao dịch giá trị nhỏ và tại vùng sâu, vùng xa. Đây là hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
"Mobile Money có lợi thế là ngay khi đi vào triển khai đã có số lượng khách hàng lên đến hàng chục triệu tài khoản, số lượng điểm dịch vụ lớn, trải khắp cả nước. Đây là lợi thế mà các dịch vụ khác không dễ gì có được", ông Đức nói.
Bao giờ có "ví di động"?
Theo lãnh đạo một công ty triển khai Mobile Money thuộc một nhà mạng, chính ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ việc nhà mạng làm trung gian thanh toán.
"Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, hạ tầng, con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà, mua xe mới nghĩ đến ngân hàng", vị này khẳng định.
"Nếu dịch vụ Mobile Money được cấp phép thì chỉ "qua một đêm", tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt", vị này nói thêm.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm Mobile Money, đến cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Đại diện 3 nhà mạng được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money là VNPT, Viettel, MobiFone cho biết đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ.
Theo đại diện Viettel, nhà mạng này áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất - với lợi thế sở hữu các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Trong quá trình triển khai ViettelPay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24 về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.
Tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 9/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Thủ tướng quyết định triển khai thí điểm Mobile Money.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.