Tỷ giá cuối năm: Kỳ vọng ổn định trong bối cảnh tích cực hơn

Hương Dịu

Mặc dù giá đồng USD trên thế giới có chiều hướng đi xuống nhưng áp lực tỷ giá tại thị trường trong nước vẫn dai dẳng. Tuy nhiên, "cú hích" từ thỏa thuận thương mại với Mỹ, cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm đảo chiều chính sách tiền tệ... tạo kỳ vọng làm thuyên giảm các áp lực.

Nguồn: VCBS
Nguồn: VCBS

Ngoại lệ của VND

Thị trường ngoại hối Việt Nam đã khép lại 6 tháng đầu năm 2025 trong một bối cảnh đầy nghịch lý. Dù chỉ số DXY (thước đo sức mạnh đồng USD trong so với một số đồng tiền chủ chốt) ghi nhận mức giảm lên tới 12%, nhưng VND là ngoại lệ khi không thể thoát khỏi vòng xoáy mất giá.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho hay, 6 tháng đầu năm 2025, tỷ giá VND và USD tăng tương đối mạnh, bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Điều này trái với quy luật thông thường, bởi như trong 6 tháng cuối năm 2024, chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND biến động cùng chiều.

Theo TS. Độ, nguyên nhân chính là do chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dẫn đến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, nguồn cung USD sụt giảm. Lạm phát Mỹ hạ nhiệt chậm khiến lãi suất duy trì cao, làm chênh lệch lãi suất USD - VND lớn hơn, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát.

Báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành từ VNDirect Research cho rằng, áp lực trên thị trường ngoại hối gia tăng vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2025, với đỉnh điểm vào đầu tháng 7 khi VND có lúc mất giá tới 2,8% so với USD, mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm.

Hiện tỷ giá USD/VND đã chạm mốc 26.110 VND/USD, tương đương mức mất giá 2,5% của VND từ đầu năm đến nay.

Tỷ giá cuối năm: Kỳ vọng ổn định trong bối cảnh tích cực hơn - Ảnh 1

Trước sức ép dồn dập, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện vai trò điều hành linh hoạt, khi chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, chấp nhận một mức độ mất giá có kiểm soát.

Theo các chuyên gia, đây là bước đi hợp lý nhằm hấp thụ cú sốc từ bên ngoài, duy trì sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh rủi ro thuế quan gia tăng, đồng thời bảo vệ dự trữ ngoại hối vốn đã thấp hơn ngưỡng khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trước đó, trả lời báo chí tại họp báo của NHNN vào đầu tháng 7/2025,  ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, việc duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phải có những đánh đổi nhất định, trong đó có tỷ giá.

Chờ "cơn gió ngược" đổi chiều

Tuy nhiên, nhìn về những tháng cuối năm, dù áp lực vẫn dai dẳng nhưng nhiều dự báo đưa ra vẫn khá lạc quan, bởi VND còn nhiều yếu tố hỗ trợ.

 

Cũng nhận định tỷ giá còn đứng trước nhiều áp lực trong những tháng cuối năm 2025, nhưng NHNN đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô để giữ cho thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt.

Các chuyên gia của VNDirect Research cho rằng, việc thành công thỏa thuận giảm thuế đối ứng với Mỹ sẽ giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực, góp phần duy trì triển vọng tăng trưởng xuất khẩu và FDI.

Hơn nữa, Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất hai lần vào tháng 9 và tháng 12 năm nay, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND, từ đó giảm bớt sức hấp dẫn của đồng USD.

Ngoài ra, chỉ số DXY có khả năng tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế Mỹ dần lộ rõ dấu hiệu suy yếu — đặc biệt khi tác động của các mức thuế đối ứng cuối cùng bắt đầu rõ ràng sau đàm phán.

Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo, VND sẽ duy trì gần mức thấp trong biên độ giao dịch so với USD đến hết quý III/2025. Nhưng sang quý IV/2025, VND có thể bắt đầu phục hồi phù hợp với xu hướng hồi phục chung của các đồng tiền châu Á khi những bất ổn thương mại giảm bớt.

UOB dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật là: 26.400 VND/USD trong quý III/2025; 26.200 VND/USDtrong quý IV/2025; 26.000 VND/USD trong quý I/2026 và 25.800 VND/USD trong quý II/2026.

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, thị trường ngoại hối đang ghi nhận nhiều yếu tố tích cực, nên VND được dự báo giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3-4% cho cả năm 2025.

VCBS kỳ vọng thị trường ngoại hối sẽ có diễn biến tích cực hơn, trong bối cảnh đàm phán thương mại và thuế quan đã được công bố, căng thẳng thương mại đã tạm dịu đi so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, một góc nhìn thận trọng hơn từ các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán MBS khi cho rằng, các áp lực nội tại sẽ là yếu tố chính góp phần làm tăng áp lực lên tỷ giá.

Theo MBS, bộ đệm quan trọng cho tỷ giá USD/VND là hoạt động xuất khẩu, được dự báo sẽ chậm lại do các doanh nghiệp đã phần lớn hoàn tất việc giao hàng trước khi thời hạn hoãn thuế quan kết thúc vào ngày 9/7/2025 kéo theo việc nhu cầu quốc tế có thể sẽ giảm trong thời gian tới.

Ngược lại, để thể hiện thiện chí sau thỏa thuận, Việt Nam có thể sẽ phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, khiến cán cân thương mại tiếp tục thu hẹp và gia tăng áp lực lên cầu ngoại tệ. Hơn nữa, chênh lệch lãi suất VND-USD có thể tiếp tục nới rộng.

Do đó, MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 26.600-26.750 VND/USD vào cuối năm, tương ứng mức mất giá 4,5-5% so với đầu năm.