Thông tư số 14/2025/TT-NHNN mở rộng không gian tín dụng, nâng tiêu chuẩn an toàn hệ thống
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, đồng thời mở ra dư địa mới cho tăng trưởng tín dụng có trọng tâm trong giai đoạn tới.
Tăng sức đề kháng, chuẩn hóa cấu trúc vốn theo Basel III
Thông tư số 14/2025/TT-NHNN ngày 30/6/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2025, thay thế Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Thông tư ban hành đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lộ trình tiệm cận Basel III của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), quy định mới không chỉ siết chặt các tiêu chuẩn an toàn vốn, mà còn tạo điều kiện cho các ngân hàng nâng cao khả năng chống chịu và quản trị rủi ro trong môi trường kinh tế nhiều biến động.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là yêu cầu cụ thể hơn đối với cấu trúc vốn, phân định rõ giữa vốn lõi cấp 1, vốn cấp 1 và tổng vốn tự có. Theo đó, tỷ lệ vốn lõi cấp 1 (CET1) tối thiểu được nâng lên 7%, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể (CAR) đạt ít nhất 10,5%, bao gồm cả các bộ đệm vốn.

Cơ chế Bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) được thiết kế linh hoạt từ 0% đến 2,5%, cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh trong các giai đoạn tín dụng tăng nóng hoặc nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó, các dự thảo sửa đổi Thông tư số 13/2018/TT-NHNN và Thông tư số 52/2018/TT-NHNN cũng được đưa ra nhằm củng cố khuôn khổ quản trị rủi ro, tăng cường vai trò giám sát từ Hội đồng quản trị và hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng tài sản. Các yêu cầu mới này tạo nền tảng cho việc ứng dụng rộng rãi hơn các mô hình đánh giá nội bộ như ICAAP, đồng thời chuẩn bị điều kiện để triển khai thêm các chỉ tiêu quản lý thanh khoản như LCR và NSFR.
SSI Research nhận định, với việc giới thiệu cả phương pháp tiêu chuẩn (SA) và phương pháp nâng cao (IRB), Thông tư số 14/2025/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng nâng cấp hệ thống dữ liệu, công nghệ và năng lực quản trị. Tuy nhiên, mức độ phức tạp của IRB sẽ là thách thức đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, do yêu cầu về dữ liệu chuẩn IFRS và mô hình thống kê cao cấp. Vì vậy, lộ trình triển khai kéo dài đến năm 2030 được xem là hợp lý, tạo khoảng thời gian thích nghi cho toàn hệ thống.
Tạo dư địa tín dụng có chọn lọc, thúc đẩy ngân hàng nâng chuẩn vốn
Không chỉ siết chặt tiêu chuẩn vốn, Thông tư số 14/2025/TT-NHNN còn điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng (RWA) đối với nhiều phân khúc vay, qua đó mở rộng không gian tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, nhà ở xã hội và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể, hệ số rủi ro cho vay cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 100% xuống 50%; cho vay nhà ở xã hội giảm về mức 20–50% tùy tỷ lệ vay trên giá trị tài sản; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm từ 90% xuống còn 85%. Những điều chỉnh này giúp giảm chi phí vốn, đồng thời cho phép ngân hàng mở rộng danh mục tín dụng mà vẫn duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao so với GDP, việc giảm RWA ở một số lĩnh vực chiến lược sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng một cách bền vững, tránh rủi ro tập trung và hỗ trợ đúng trọng tâm. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với các chuẩn Basel truyền thống, khi nhà điều hành không chỉ ưu tiên an toàn hệ thống, mà còn lồng ghép mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ.
Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ Thông tư số 14/2025/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ phải chủ động tái cấu trúc danh mục tín dụng và nâng cao năng lực vốn.
Với các ngân hàng đang có tỷ lệ CAR và CET1 cao như Techcombank, VPBank, HDBank, việc chuyển sang áp dụng phương pháp SA theo Thông tư số 14/2025/TT-NHNN sẽ giúp cải thiện thêm hệ số an toàn vốn và linh hoạt hơn trong mở rộng hoạt động cho vay.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV, VietinBank với tỷ lệ vốn cấp 1 còn hạn chế có thể cần tính đến các phương án tăng vốn nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian tới.
SSI Research cho rằng, trong ngắn hạn, phần lớn các ngân hàng sẽ lựa chọn phương pháp tiêu chuẩn để tận dụng ưu đãi về hệ số rủi ro, đồng thời cải thiện CAR trước khi hướng tới phương pháp IRB trong dài hạn. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đầu tư bài bản vào hạ tầng dữ liệu, quản trị rủi ro và công nghệ, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập sâu hơn với thị trường tài chính quốc tế.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quy định mới, nhất là các mã có chất lượng vốn cao và danh mục tín dụng hướng đến các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường và dòng vốn ngoại quay trở lại cũng sẽ tiếp tục là lực đẩy hỗ trợ xu hướng tích cực của cổ phiếu ngành này trong những tháng cuối năm.