BRICS gặp khủng hoảng tuổi trung niên?
(Tài chính) "BRICS in midlife crisis?" là chủ đề của phiên thảo luận diễn ra hôm qua (23/1) trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.
* Midlife crisis có thể tạm dịch là "khủng hoảng tuổi trung niên" - khi người trung niên đột ngột thay đổi tâm sinh lý, cảm thấy cuộc sống vô vị chán nản và muốn làm những điều khác thường. Đối với một nền kinh tế, midlife crisis là khi quốc gia đó gặp phải bế tắc trong việc tìm ra động lực tăng trưởng mới.
Khi kể đến những lực đẩy năng động của nền kinh tế thế giới, không thể không kể đến các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, tất cả các nước này đều chao đảo trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù vậy, lãnh đạo của 5 quốc gia vẫn tự tin cho rằng họ sẽ hồi phục trong vài năm tới.
Đây là nội dung chính của phiên thảo luận có tiêu đề "BRICS in midlife crisis?" diễn ra hôm qua (23/1) trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.
Tham dự phiên thảo luận này là các vị lãnh đạo đến từ 5 quốc gia: Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Palaniappan Chidambaram, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan, Bộ trưởng bộ tài chính Brazil Guido Mantega, Liu Mingkang – Đại diện từ Viện nghiên cứu toàn cầu, Hong Kong SAR, Arkady Dvorkovich – Phó thủ tướng chính phủ Liên bang Nga.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. Nguồn: World Economic Forum
Ngài Liu Mingkang – Đại diện từ Viện nghiên cứu toàn cầu tỏ ra lạc quan khi phân tích tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Ông thừa nhận nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, khi GDP vào năm ngoái chỉ đạt mức 7%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại hợp lý khi nó giúp ghìm lại mức phát triển quá nhanh của nền kinh tế, giảm bớt sự quá tải và các gánh nặng môi trường.
Đây cũng là dịp để Trung Quốc quyết tâm thực hiện các chính sách cải cách hợp lý, chuyển đổi mục tiêu từ chú trọng xuất khẩu sang tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đảm bảo đời sống nhân dân. Ông tin tưởng rằng, mức tăng trưởng GDP bình quân 7% trên năm vẫn giúp Trung Quốc đảm bảo mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng GDP vào năm 2020.
So sánh với mô hình cải cách ở Trung Quốc, ngài Guido Mantega – Bộ trưởng bộ tài chính Brazil cho rằng nước ông cần những giải pháp khác biệt để đối phó với cuộc khủng hoảng. Chính phủ nên khuyến khích đầu tư, tăng lưu thông vốn trên thị trường, đặc biệt là trong một số ngành công nghiệp như dầu, khí đốt.
Một thành viên quan trong của BRICS là Nga cũng đang có khó khăn riêng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, khi mức tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đạt 1,4%. Bên cạnh các nhân tố bên ngoài như sự hồi phục chậm chạp từ các đối tác chiến lược như châu Âu, Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu là do môi trường đầu tư chưa được cải thiện.
Các đại diện đến từ Ấn Độ và Nam Phi đều bày tỏ quyết tâm khi đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để khuyến khích đầu tư, đổi mới nền kinh tế. Ngài Palaniappan Chidambaram – Bộ trưởng bộ tài chính Ấn Độ cho rằng: với sự hội phục kinh tế ổn định như hiện nay,mức tăng trưởng GDP 8% không phải là điều xa với trong vòng 3 năm tới.
Cùng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, các nước BRICS cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ nhân quyền, hạn chế phân biệt xã hội, giảm đói nghèo, đảm bảo y tế, giáo dục…Tuy vậy, các thành viên đều có chung nhận thức cần giải quyết các vấn đề này song song với việc cải cách kinh tế để đảm bảo phát triển xã hội một cách lâu dài, bền vững.