BRICS: Tương lai còn dài cho một khối thống nhất

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ngày 15 và 16/7 vừa qua là Hội nghị thượng đỉnh Khối BRICS lần thứ 6. Giới truyền thông phương Tây nhìn nhận đây chính là dịp để Trung Quốc, Nga “xốc lại đội hình” và vận động các nước trong Khối trong việc nâng cao vai trò của BRICS để đối phó với Mỹ và châu Âu trong hoạch định chính sách quốc tế.

Tổng thống Nga Putin sau một cuộc họp báo trước thềm Hội nghị. Nguồn: internet
Tổng thống Nga Putin sau một cuộc họp báo trước thềm Hội nghị. Nguồn: internet

Dù tại cuộc họp BRICS mới đây, những thông điệp mạnh mẽ hơn về sự hợp tác được các nước thành viên nêu ra nhưng cũng đang có rất nhiều ý kiến cho rằng, BRICS quá phân tán để có thể trở thành một khối thống nhất thực sự.

Ngân hàng chung, quỹ dự trữ chung

Ngay sau kỳ World Cup sôi động kết thúc, một sự kiện quan trọng khác diễn ra tại Brazil trong ngày 15 và 16/7 vừa qua là Hội nghị thượng đỉnh Khối BRICS lần thứ 6. Giới truyền thông phương Tây nhìn nhận đây chính là dịp để Trung Quốc, Nga “xốc lại đội hình” và vận động các nước trong Khối trong việc nâng cao vai trò của BRICS để đối phó với Mỹ và châu Âu trong hoạch định chính sách quốc tế.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này, một trong những nội dung quan trọng nhất là việc Khối ký thỏa thuận thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ dự phòng ngoại tệ 100 tỷ USD – với mục đích phục vụ như là một đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tổng thống Nga Putin cũng muốn BRICS tăng cường phối hợp trong chính sách đối ngoại của mình để tránh những gì mà ông mô tả là “sự quấy rối” đối với các quốc gia không đồng quan điểm với Mỹ và các đồng minh.

“Đây chính là thời điểm để chúng ta nâng cao vai trò của BRICS lên một cấp độ mới và để cho Khối của chúng ta là một phần bất khả xâm phạm của trật tự toàn cầu” - Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin ITAR-TASS.

Ngân hàng chung của BRICS có tên gọi là Ngân hàng Phát triển mới (NDB), sẽ đặt trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), với vốn điều lệ là 50 tỷ USD. Các nước thành viên kỳ vọng, thông qua NDB, các nước sẽ có nguồn lực tài chính tốt hơn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp họ độc lập hơn về kinh tế và đây cũng là công cụ để giúp sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov, ngân hàng này sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 và để ngỏ cho các quốc gia thành viên LHQ tham gia, song tỷ lệ sở hữu vốn của BRICS sẽ luôn đảm bảo trên 55%.

Cùng với thành lập Ngân hàng chung, BRICS cũng quyết định thành lập một quỹ dự phòng ngoại tệ với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc góp 41 tỷ USD, chiếm phần lớn nhất; Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD; Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ này dự kiến đặt trụ sở tại Durban (Nam Phi) với mục tiêu hoạt động nhằm ngăn chặn đầu cơ, giúp các nước thành viên cân đối được cán cân thanh toán ngắn hạn mà không cần phá giá đồng nội tệ.

Giới chuyên gia cho rằng, sự ra đời của NDB và quỹ dự trữ ngoại tệ chung của BRICS là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu mới, trước hết trong lĩnh vực tài chính, kinh tế. Đồng thời qua đó cũng nhằm khẳng định vị thế, vai trò của Khối này trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu.

Phần nhiều mang tính biểu tượng

Vấn đề nằm ở chỗ, BRICS dường như đang bị quá phân tán để có thể phát huy được như là một Khối thực sự. Khi nhà kinh tế Jim O'Neill của Goldman Sachs đưa ra cụm từ này vào năm 2001, BRIC - sau này có thêm sự tham gia của Nam Phi năm 2011 và trở thành BRICS - đã phát triển mạnh mẽ và có vẻ sẵn sàng để tăng ảnh hưởng toàn cầu của họ. Tuy nhiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008 đến nay, con đường phát triển đi lên dường như phân ngả.

“Thị phần” đóng góp của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng lên, dự kiến sẽ tăng từ mức 11% năm 2008 lên 18% năm 2018. Con số cùng thời điểm trên của Ấn Độ là từ 4,8% lên 6,3%. Tuy nhiên với Brazil và Nga, mỗi nước hiện nay chỉ chiếm chưa tới 3% sản lượng toàn cầu - mức gần như tương đương với một thập kỷ trước đây. Nam Phi cũng không có thay đổi, chỉ chiếm khoảng dưới 1%.

Trong một báo cáo hồi đầu năm nay, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng tư nhân RBS có trụ sở tại Zurich, Thụy Sỹ cho rằng khái niệm BRICS hiện không còn phù hợp. “Một sự chênh lệch quy mô và tầm quan trọng giữa các nước thành viên như hiện nay làm người ta khó có cảm giác đây là một Khối” - các chuyên gia kinh tế này nhận xét.

Theo nhà kinh tế Charles Robertson thuộc Renaissance Capital, với dân số chiếm gần 43% tổng dân số thế giới và quy mô tổng sản lượng khoảng 16 nghìn tỷ USD, BRICS hoàn toàn có lý khi phàn nàn về quyền lực đang nằm quá nhiều trong tay các nước phát triển. Ngay như ở WB hay IMF, không có tổ chức nào có nhà lãnh đạo đến từ các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên đến lúc này, BRICS vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm tiếng nói chung. Đơn cử, họ không thể thống nhất chọn lựa được một ứng cử viên vào vị trí lãnh đạo như WB hay IMF khi những định chế tài chính này bầu chọn lãnh đạo vào năm 2011, 2012. Họ cũng vẫn còn những tranh cãi về thương mại, như việc Nam Phi và Ấn Độ đã phát đi tín hiệu có thể rút lui khỏi thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại mà 5 nước trong Khối vừa nhất trí thông qua vài tháng trước đây.

Ngay cả vấn đề thành lập ngân hàng phát triển của BRICS cũng còn nhiều tranh cãi, với các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành.

Một vấn đề đặt ra là các nền kinh tế BRICS không có nhiều điểm chung. Các chính sách quản lý kinh tế rất nhiều gam màu, từ nhà nước chi phối đến thị trường tự do; từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 5 nghìn USD tại Ấn Độ đến mức trên 24 nghìn USD tại Nga… Do đó một số ý kiến cho rằng, dù BRICS có nhiều nguồn lực nhưng ngân hàng và quỹ dự trữ chung mà họ thành lập ra sẽ thiếu sức mạnh. 5 nước thành viên cam kết đóng góp 50 tỷ USD cho ngân hàng này, qua đó để ngân hàng có thể cho vay ra khoảng 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Đây là mức quá nhỏ so với con số cho vay mỗi năm trên 60 tỷ USD của WB hiện nay. Trong khi đó, ngoài con số 100 tỷ USD thì cơ chế hoạt động của Quỹ dự trữ ngoại tệ cũng chưa có nhiều thông tin. Hơn nữa, 100 tỷ USD cũng là quá nhỏ với mục tiêu mà quỹ này phải gánh vác.
Theo nhận định của chuyên gia Domenico Lombardi thuộc Trung tâm Quản trị đổi mới quốc tế có trụ sở tại Canada, còn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời. “Các biện pháp này vì thế chủ yếu là mang tính biểu tượng, nhằm cho thấy họ có các công cụ để có thể thay thế cho IMF và WB” - vị này bình luận.