Bức tranh kinh tế thế giới: Các “trụ cột” mất đà tăng trưởng


Nhiều nền kinh tế chủ chốt suy giảm đã khiến một số tổ chức phải cắt giảm dự báo của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu cả năm 2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các dự báo này xem xét “sức khỏe” của các nền kinh tế chủ chốt, những biến cố đáng kể trong kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm để từ đó đưa ra nhận định về kinh tế toàn cầu trong phần còn lại của năm 2023.

Kinh tế Mỹ suy giảm nhưng vẫn chắc chắn

Dù tăng trưởng GDP quý I/2023 của Mỹ đạt 1,6% so với mức chỉ 0,9% của quý IV/2022, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sụt giảm trong quý II/2023.

Chỉ số PMI công nghiệp chế tạo tăng liên tục từ mức đáy trên 46 điểm hồi tháng 12/2022 lên mức đỉnh 50,3 điểm hồi tháng 4/2023 nhưng lại giảm mạnh xuống mức 48,5 điểm trong tháng 5/2023. Nghĩa là, trong quý I, lĩnh vực này có tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, việc chỉ số lại rơi xuống dưới 50 điểm trong tháng 5 cho thấy tăng trưởng ít nhất là trong quý II sẽ không tốt.

Tương tự, chỉ số lòng tin tiêu dùng cũng giảm liên tục từ tháng 2/2023. Chỉ số này trong tháng 5 là 57,7 điểm so với mức 67 điểm hồi tháng 2/2023. Trong khi đó, tiêu dùng chiếm 72% GDP của Mỹ. Do đó, sự giảm sút chỉ số này cho thấy chiều hướng yếu đi của tăng trưởng trong ít nhất là quý II/2023.

Có thể hiểu rằng, sự sụt giảm tăng trưởng trong quý II/2023 là hiệu ứng từ chính sách nâng lãi suất mạnh tay kể từ tháng 4/2022 của FED nhằm kiểm soát lạm phát. Tương ứng với giảm tốc tăng trưởng cũng là giảm tốc lạm phát. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 4/2023 là 4,9% so với mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6/2022.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 lại xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 3,4%, mức này đạt được hồi tháng 1/2023, sau đó tăng lên 3,6% trong tháng 2. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất khỏe bất chấp mọi bất ổn trên toàn cầu và trong nước. Lý do là nhờ chính sách đưa chuỗi cung ứng, việc làm, công nghệ về Mỹ, đặc biệt là chủ trương tăng chi tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng, viễn thông, giáo dục… với qui mô lớn lên đến 1,7 nghìn tỷ USD trong 10 năm.

Bức tranh kinh tế thế giới: Các “trụ cột” mất đà tăng trưởng - Ảnh 1

Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc

GDP quý I/2023 của nền kinh tế Trung Quốc tăng 4,5% (tính theo hàng năm) so với mức 2,9% trong quý IV/2022 nhờ xóa bỏ phong tỏa COVID-19. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể sẽ mất đà nhanh chóng trong quý II/2023.

Chỉ số bán lẻ hàng tháng trong tháng 4/2023 chỉ tăng 0,49%, giảm so với mức tăng 0,78% của tháng 3 và 1,64% trong tháng 2. Như vậy, chỉ số này giảm liên tục từ tháng 2 là tháng có mức tăng đáng kể sau khi chấm dứt phong tỏa đại dịch nhưng sau đó nhanh chóng mất đà. Tiêu dùng nội địa Trung Quốc đang được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng cơ bản cho nền kinh tế nhằm thay thế yếu tố xuất khẩu đang giảm dần vì thương chiến với Mỹ.

Sự sụt giảm tiêu dùng trong nước nói trên cho thấy sức tàn phá của đại dịch và cách chống dịch cực đoan đã gây hại lớn cho thu nhập của dân cư. Khu vực bất động sản khủng hoảng cũng khiến dân cư cạn kiệt nguồn thu vì tiết kiệm của họ bị kẹt trong đống tài sản đó. Thêm vào đó, kỳ vọng tăng trưởng kém đi vì các vấn đề thương chiến với Mỹ, sự tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài… lại càng khiến tiêu dùng giảm hơn nữa vì dân chúng phải tăng tiết kiệm dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, xuất khẩu là một động lực tăng trưởng quan trọng cũng có dấu hiệu sụt giảm. Xuất khẩu tăng trưởng 8,5% trong tháng 4/2023, giảm so với mức tăng 14,8% trong tháng 3 do nhu cầu từ Mỹ và thế giới giảm vì những bất ổn trên toàn cầu.
Quan trọng, chỉ số PMI công nghiệp chế tạo giảm nhanh từ mức 51,6 điểm trong tháng 2 xuống còn 50 điểm trang tháng 3 và chỉ còn 48,8 điểm trong tháng 5, nghĩa là lĩnh vực này đang suy giảm mạnh.

EU có dấu hiệu khó khăn hơn

Trước thời điểm đầu năm 2023, nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế EU sẽ suy thoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2023 là 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nền kinh tế này có sức chống chịu khá tốt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó giảm đáng kể so với mức 1,8% trong quý IV/2022.

Thực tế trên cho thấy nền kinh tế khu vực này đang giảm tốc vì tác động của chiến sự Nga- Ukraine và lãi suất đồng Euro tăng mạnh nhất trong lịch sử (lên 3,75% vào tháng 4/2023) để ngăn chặn lạm phát, tương tự như tình hình ở Mỹ.

Đáng lo ngại, chỉ số PMI công nghiệp chế tạo giảm liên tục từ tháng 1/2023 ở mức gần 49 điểm xuống còn 44,6 điểm trong tháng 5. Tức là công nghiệp chế tạo luôn trong tình trạng thu hẹp và ngày càng khó khăn. Triển vọng quý II và nửa năm còn lại là khá tiêu cực. Thêm vào đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng vẫn âm 17,4 điểm so với mức đáy âm 28,7 điểm hồi tháng 9/2022. Tất cả điều này khiến nền kinh tế châu Âu có thể giảm sút tăng trưởng trong quý II/2023. 

Theo TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia Kinh tế Độc lập/diendandoanhnghiep.vn