Ukraine tham vọng "hóa giải" bài toán năng lượng của EU


Mới đây, Ukraine đang đặt mục tiêu vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chủ yếu cho châu Âu.

Ukraine mong muốn trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế EU thông qua năng lượng.
Ukraine mong muốn trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế EU thông qua năng lượng.

Đồng thời Kiev cũng đang tìm cách tăng cường xuất khẩu điện sang EU. CEO của tập đoàn năng lượng Naftogaz, Oleksiy Chernyshov cho biết, việc sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng bị thiệt hại do chiến tranh sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD, nhưng khi thành công sẽ giúp EU hoàn thành việc chuyển hướng khỏi nguồn năng lượng của Nga.

Những lợi thế của Ukraine

Tuyên bố của CEO tập đoàn năng lượng lớn nhất Ukraine không phải là không có cơ sở. Ukraine hiện có trữ lượng và tài nguyên khí đốt tự nhiên lớn thứ ba ở châu Âu.

Hồi tháng 4, chính tập đoàn Naftogaz đề xuất cung cấp kho dữ trự của mình để giúp Châu Âu giải quyết bài toán năng lượng vào mùa đông năm nay. Ông Oleksiy Chernyshov tuyên bố, “ngay bây giờ có thể cung cấp tới 10 tỉ mét khối (bcm) khí đốt lưu trữ” cho EU.

Theo quy định mới từ sau chiến sự Nga- Ukraine, EU yêu cầu các nước phải lấp đầy 90% các kho chứa khí đốt trước tháng 11 hàng năm.

Hiện tại, Ukraine có công suất lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu, vào khoảng 31 tỷ mét khối. Con số này theo các quan chức là quá đủ cho nhu cầu trong nước của Ukraine, vốn ngày càng giảm do tác động của chiến tranh.

Quốc gia Đông Âu năm ngoái đã khai thác khoảng 18,5 bcm khí đốt, trong khi mức tiêu thụ giảm 25% so với 2021, theo Trung tâm Nghiên cứu Đông phương đặt tại Warsaw. Tổ chức tư vấn này cho biết: “Chừng nào các cuộc chiến khốc liệt còn tiếp diễn, tiêu thụ khí đốt sẽ không tăng, đặc biệt là trong bối cảnh tương lai kinh tế không chắc chắn của Ukraine”.

Theo ông Chernyshov, kế hoạch sắp tới của Ukraine là đảm bảo có đủ nguồn cung để tạm thời đáp ứng nhu cầu của EU khi khối này chuyển sang năng lượng xanh. Một khi chiến tranh kết thúc và Ukraine bắt đầu xây dựng lại, nước này có thể sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng xanh như một phần của quá trình gia nhập EU, giải phóng nhiều khí đốt hơn cho xuất khẩu.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng mức tiêu thụ khí đốt của EU sẽ giảm và về mặt chiến lược, trong tương lai Ukraine sẽ xuất khẩu không chỉ khí đốt tự nhiên mà còn cả hydro và khí mê-tan sinh học”.

Đầu tháng này, nhà máy khí mê-tan sinh học đầu tiên của Ukraine đã được kết nối với mạng lưới khí đốt. Vào tháng 2, Kiev đã kí một biên bản ghi nhớ với EU để xuất khẩu khí đã khử cacbon - một sự thay thế cho khí đốt hóa thạch.

Ukraine cũng lạc quan về việc cung cấp điện cho các nước láng giềng – hoạt động mà Kiev đã thực hiện lại vào tháng 5, sau nửa năm gián đoạn do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

"Khi Ukraine giải phóng miền Nam và giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sự cân bằng năng lượng điện ở Ukraine sẽ rất tích cực. Nếu chúng tôi phục hồi toàn bộ sản lượng năng lượng ở Ukraine, chúng tôi sẽ ngay lập tức trở thành nhà xuất khẩu đáng kể, thậm chí trở thành ngân hàng điện của châu Âu", Giám đốc điều hành Naftogaz cho biết.

Nhiều rào cản phía trước

Thế nhưng, tham vọng đó chắc chắn đối mặt với một thách thức khổng lồ: cuộc chiến tranh với Nga. Ông Chernyshov thừa nhận việc khai thác tiềm năng khí đốt có thể sẽ rất khó khăn, bởi phần lớn trữ lượng hơn 1000 tỉ mét khối khí tự nhiên của Kiev lại nằm ở phía Đông đất nước, gần các cuộc giao tranh dữ dội hoặc trong vùng bị Nga kiểm soát.

Trước chiến tranh, hai nước chung tay thực hiện nhiều dự án hợp tác về vận chuyển khí đốt từ Nga qua Châu Âu. Thậm chí cho tới nay, Nga vẫn tiếp tục sử dụng một phần trong mạng lưới đường ống khổng lồ của Ukraine để vận chuyển tới một số ít khách hàng châu Âu còn lại, gồm Slovakia và Moldova.

Theo các điều khoản của thỏa thuận quá cảnh, Ukraine kiếm được 7 tỉ USD mỗi năm từ thỏa thuận này và Điện Kremlin được cho là sẵn sàng gia hạn thỏa thuận này khi hết hạn vào năm tới.

Thậm chí nếu thực tế chiến trường diễn biến xấu đi, Kiev có thể sẽ không bao giờ lấy lại được tài nguyên đó, và tham vọng thay thế hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt của Moscow sẽ tan thành mây khói.

Thách thức thứ hai, Ukraine đang phải vật lộn để thu hút nguồn vốn nước ngoài từ EU hoặc Mỹ trước các lo ngại về nạn tham nhũng tại đây. Trước chiến tranh, Ukraine vẫn là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Ông Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall, thừa nhận đây là một vấn đề nan giải đối với Kiev, khi “Ukraine không có kinh nghiệm trong việc điều hành các dự án cơ sở hạ tầng lớn một cách minh bạch và đúng thời hạn”.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn