Bước vào sân chơi CPTPP, Việt Nam sẽ được và mất gì?
BizLIVE ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về những thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập “sân chơi” lớn này.
Việt Nam đã cùng 10 nước khác ký kết Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 8/3 tại Chile, đánh dấu một mốc mới trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác khác.
Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập “sân chơi” lớn này.
Cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong luật pháp có liên quan đến đầu tư
(GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE)
CPTTP tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, nên tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mexico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.
Cần lưu ý rằng, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên; chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, ưu đãi quá mức cần thiết làm giảm thiểu lợi ích quốc gia.
Trong CPTPP có một chương quy định khá toàn diện về đầu tư qua biên giới, trong đó có những nguyên tắc như tối huệ quốc, đối xử quốc gia, minh bạch và công khai thông tin, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp...
Hiện luật pháp Việt Nam đã có các quy định khá phù hợp về đầu tư. Tuy vậy, cần lưu ý đến các vấn đề mà CPTPP đòi hỏi cao hơn về đầu tư: 1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật, đó là một nhược điểm của luật pháp Việt Nam; 2) đòi hỏi cao về quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù đã “đóng băng” một số điều khoản liên quan như đối với dược phẩm; 3) lao động và quyền của người lao động, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập. Do vậy, cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong luật pháp có liên quan đến đầu tư.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, cần tiếp cận quy định của chương đầu tư trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng; tinh giản biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện “Chính phủ kiến tạo, hành động” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.
Xu thế liên kết hội nhập vẫn là dòng chảy chính
(TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM)
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc ký kết Hiệp định CPTPP cho thấy xu thế về liên kết hội nhập, xu thế tự do hoá đầu tư thương mại vẫn là dòng chảy chính, mặc dù, nó đang gặp rất nhiều trắc trở, khó khăn.
Đặc biệt, Việt Nam là một thành viên rất tích cực của Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP hiện nay nên việc ký kết thành công hiệp định này góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong tiến trình liên kết hội nhập. Điều này thể hiện rất rõ qua việc Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC hồi năm ngoái và những sự kiện diễn ra tại tuần lễ cấp cao đó.
Không những thế, Hiệp định CPTPP vẫn giữ được chất lượng cao của Hiệp định TPP, đồng thời nó cũng gắn nhiều với những cải cách thể chế, những chính sách sau đường biên giới, đáp ứng dù chưa đầy đủ xu hướng mới về thương mại đầu tư. Chính vì vậy, nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình cải cách nói chung.
Đối với Việt Nam, điều này cực kỳ quan trọng, bởi Việt Nam đang nằm trong giai đoạn bước ngoặt cần những đột phá trong cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế để phát triển bền vững.
Việc ký kết Hiệp định CPTPP như một chất xúc tác mạnh cho quá trình cải cách tự thân mà Việt Nam cần có.
Đây là hiệp định chất lượng cao nên nó sẽ phản ánh được những xu thế mới trong thương mại đầu tư và dịch vụ. Mặc dù hiệp định không có Mỹ tham gia nhưng cũng là bước tập dượt rất tốt đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách, trong đó có các doanh nghiệp. Do đó, trong tương lai, nếu có những hiệp định khác có chất lượng cao như CPTPP, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc đáp ứng và thực thi những quy định mới, đây sẽ là những tác động rất lớn bên cạnh các tác động đã từng biết.
Cũng như mọi hiệp định khác, Hiệp định CPTPP có những tác động tích cực trên tổng thể đối với đầu tư, thương mại của Việt Nam. Mặc dù không có Mỹ thì mức độ tác động có thể nhỏ hơn nhưng vẫn rất ý nghĩa, nhất là khi Việt Nam vẫn là một nước được hưởng lợi rất đáng kể từ hiệp định này.
Ký kết Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam tiếp cận thị trường một cách thuận lợi hơn, nó cũng là chất xúc tác cho cải cách thể chế, qua đó giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại, đầu tư mà nó còn tạo ra sân chơi rộng hơn cho nhiều lĩnh vực, xuất khẩu những ngành hàng Việt Nam có lợi thế, tiêu dùng, logistics, phát triển các cụm công nghiệp liên ngành, dịch vụ hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ngành nghề mới như IT, công nghệ xanh…
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với chúng ta chính là cải cách thể chế. Đối với Chính phủ thì phải cải cách luật chơi, thông tin, giáo dục, đào tạo… Còn doanh nghiệp thì phải hiểu, phải biết kết nối để tận dụng lợi thế và cần hiểu không chỉ luật chơi quốc tế mà còn phải hiểu về các thay đổi chính sách tương ứng, nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực, quản trị kinh doanh, học hỏi và cả năng lực pháp lý để tự bảo vệ mình.
Để chuẩn bị tham gia CPTPP, Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại chất lượng cao. Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.
Còn nhiều việc cần phải làm để thu hút vốn đầu tư gián tiếp hậu CPTPP
(TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng)
Sang năm 2018, với triển vọng tình hình kinh tế vĩ mô cùng hiệp định CPTPP được ký kết, lượng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn.
Việc CPTPP được thông qua sẽ có tác động lớn tới ba mảng chính của Việt Nam, bao gồm thương mại, dịch vụ và đầu tư. Riêng mảng đầu tư được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Các quốc gia như Nhật, Australia, New Zealand là những nước thời gian vừa qua đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là Australia và New Zealand, những nước có quan hệ thương mại, đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều.
Việc CPTPP được thông qua sẽ có tác động tích cực lên thị trường. Năm ngoái khối ngoại đã mua ròng khoảng 1,7 USD, năm nay tôi cho rằng con số này sẽ đạt khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD.
Có 6 điểm chính mà các nhà hoạch định chính sách cần phải thực hiện để có thể thu hút nguồn vốn này: Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; cần tăng thêm tính minh bạch và tính tuân thủ trên thị trường vốn; đẩy mạnh cổ phần hoá và thoái vốn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước; chú trọng đến quản trị công ty sau khi cổ phần hoá; phải thúc đẩy hơn nữa thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Dệt may, thủy sản, cao su, hóa chất sẽ là những nhóm ngành được hưởng lợi hơn cả
(Ông Lê Đức Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán dầu khí - PSI)
Tăng trưởng kinh tế trong kịch bản TPP (có Mỹ tham gia) được ký kết dường như sẽ cao hơn khi hiệp định CPTPP. Nhưng điều chắc chắn tôi có thể nói rằng CPTPP có tác động rất tích cực đến quá trình hội nhập của Việt Nam trong quá trình tự do hóa thương mại quốc tế, hiệu quả kinh tế thể hiện rất rõ đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực được coi là thế mạnh của Việt Nam như may mặc, da giầy, thủy sản, công nghiệp chế tạo, lắp ráp…
Thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực sau khi thông tin hiệp định được ký kết. Nhiều nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành nghề dự báo được hưởng lợi từ CPTPP cũng có những phiên giao dịch khá ấn tượng. Tâm lý nhà đầu tư khá lạc quan không chỉ về triển vọng nền kinh tế nói chung mà cả xu hướng uptrend của thị trường chứng khoán.
Dệt may, thủy sản, cao su, hóa chất sẽ là những nhóm ngành được hưởng lợi hơn cả. Ngoài ra, ngành dược phẩm cũng sẽ được hưởng lợi. Đây có thể được coi là cơ hội đầu tư rất lớn đối với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành kể trên.