CPTPP: Thách thức nào đặt ra đối với Việt Nam?

PV.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho nền kinh tế nói chung và đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đánh giá tổng quan về những tác động từ Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định rằng, những tác động tích cực của Hiệp định CPTPP tương đối toàn diện, tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.

Cụ thể, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào năm 2019 sẽ có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp và người dân. Bởi, từ thực tiễn hội nhập cho thấy, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực. Ngược lại “nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập thì tất yếu sẽ phải trả giá” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Phân tích cụ thể về những thách thức này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, khi tham gia Hiệp định CPTPP, đối với Việt Nam, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến; Ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân là do lĩnh vực này được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất thấp so với các quốc gia khác. Điều này cho thấy Hiệp định CPTPP sẽ tác động rất nhiều chiều cả tích cực và tiêu cực tác động tiêu cực sẽ tạo ra nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội…

Đồng quan điểm trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc tham gia Hiệp định này sẽ gặp nhiều thách thức, thậm chí ngay cả khi chưa ký kết Hiệp định cũng đã có nhiều khó khăn.

Chuyên gia này phân tích: Những tháng đầu năm 2018, hàng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam khoảng 1000 mặt hàng với thuế suất bằng 0%, Hàn Quốc là 700 mặt hàng. Trong khi, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp có nguy cơ bị “bóp chết” trước “làn sóng hàng ngoại”. Trên thực tế, nguy cơ này nước nào cũng phải đối mặt nhưng các nước đều có biện pháp khắc phục, còn nước ta khắc phục còn chậm vì chính sách thiếu, chưa có sự chuẩn bị về nội lực, tức là chưa nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa nên khả năng cạnh tranh thấp.

Chia sẻ thêm về thách thức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: Cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước... Do vậy, khi tham gia Hiệp định này không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao… sẽ khắc nghiệt hơn.