Buồn vui chuyện cổ tức ngân hàng
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã hoàn tất đại hội đồng cổ đông năm 2019. Trong khi có ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt thì một số ngân hàng lại quyết định giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối, khiến nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi.
Tâm lí chung của nhiều nhà đầu tư Việt Nam thường quan tâm đến các thông tin về trả cổ tức hơn là các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế này khiến mỗi kỳ đại hội cổ đông của các ngân hàng, các cổ đông lại đặt nhiều kỳ vọng vào "quả ngọt" cổ tức.
Dù lợi nhuận ngành ngân hàng liên tiếp khởi sắc nhưng thực tế cho thấy không phải ai sở hữu cổ phiếu vua cũng có thể thu lời từ cổ tức.
Nói không với cổ tức
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa được tổ chức mới đây của Techcombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết ngân hàng sẽ giữ lại khoản 10.286 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Lý giải việc không chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, cho biết ngân hàng này muốn giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Basel II và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp, cổ đông của Techcombank phải "nhịn" cổ tức vì những mục tiêu kinh doanh của ngân hàng, khiến nhiều cổ đông bày tỏ sự bức xúc.
VPBank cũng ngỏ ý với cổ đông về việc không chia cổ tức để tăng vốn, đồng nghĩa ngân hàng sẽ giữ lại khoản lợi nhuận 3.431 tỷ đồng sau khi đã trích lập các quỹ. Trong khi trước đó, VPBank đã bất ngờ gây sốc khi chi trả cổ tức năm 2017 và cổ phiếu thưởng lên đến 67%, trong đó mức cổ tức lên đến 30,22%.
Ngày 12/4 vừa qua, Kienlongbank đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 thông qua nội dung không chia cổ tức năm 2018 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN và đáp ứng nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2020 của ngân hàng.
Tại tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, TPBank cũng quyết định không chia cổ tức và dùng 1.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019.
Việc các ngân hàng mong muốn giữ lại phần lợi nhuận sau thuế hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là điều dễ hiểu, bởi trong bối cảnh NHNN yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn, tăng vốn theo chuẩn mực quốc tế, đây là phương án tối ưu.
Trước đó, một trong những "ông lớn" là VietinBank đã lên tiếng "xin" được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020 với lý do nâng tỷ lệ an toàn vốn; ACB cũng quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% để tăng vốn.
VIB và MB có lẽ là những ngân hàng hiếm hoi tính đến thời điểm này làm các cổ đông của mình vui sướng với mức cổ tức và cổ phiếu thưởng của VIB là 26,5% (5,5% tiền mặt, 18% bằng cổ phiếu thưởng và 3% cổ phiếu quỹ); MB là 25% (11% bằng tiền, 14% cổ phiếu).
Cổ đông thất vọng
Theo một chuyên gia chứng khoán, trong trường hợp cổ tức bị giữ lại, cổ đông chỉ còn một cách duy nhất là dựa vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong vòng một tháng qua, cổ phiếu TCB của Techcombank liên tiếp giảm từ mức giá 27.150 đồng/cp xuống 24.550 đồng/cp, tương đương mức giảm đạt 10,6%.
Đáng chú ý, đây cũng là vùng giá thấp nhất của TCB kể từ khi chào sàn hồi giữa năm 2018 tới nay, bất chấp kết quả kinh doanh khởi sắc của Techcombank. Vấn đề này đã được cổ đông mang ra chất vấn lãnh đạo ngân hàng tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 được tổ chức ngày 13/4 vừa qua.
Trả lời băn khoăn của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết các chỉ số tài chính của ngân hàng đang hoàn toàn đi theo kế hoạch công bố khi IPO với nhà đầu tư và nếu đạt được những con số như dự kiến, giá trị cổ phiếu TCB sẽ thể hiện đúng những gì ngân hàng làm được.
Tương tự, cổ phiếu VPB của VPBank sau nhiều lần phát hành tăng vốn cũng đã điều chỉnh sâu về mức giá 19.150 đồng/cp, giảm 51% so với mức giá chào sàn cách đây gần 2 năm.
Tại ĐHĐCĐ sắp được tổ chức tới đây, VPBank cũng sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành tối đa khoảng 260 triệu cổ phiếu, mục tiêu là tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/ vốn điều lệ lên mức tối đa 30%.
Trước đà giảm sâu như hiện nay, nếu tiếp tục phát hành, thị giá cổ phiếu VPB sẽ đi về đâu? Bên cạnh việc tăng vốn, VPBank cũng dự kiến bán 31 triệu cổ phiếu quỹ, giá bán bằng mệnh giá cho cán bộ nhân viên trong quý II/2019.
Các cổ phiếu ngân hàng khác như MBB cũng đã giảm khoảng 25% hay SHB cũng giảm hơn 42% trong vòng một năm qua.
Thực tế, nhiều người nắm giữ cổ phiếu dài hạn vừa không được nhận cổ tức, vừa phải chịu sự tụt dốc của thị giá cổ phiếu, khiến tài sản ròng trong tài khoản "bốc hơi" nhanh chóng, tạo ra tâm lý muốn rút vốn đầu tư vào kênh khác hiệu quả hơn.
Trước vấn đề này, một chuyên gia chứng khoán cho rằng về bản chất, việc giữ lại cổ tức là một hình thức chiếm dụng vốn thương mại của chính cổ đông, nhưng việc chiếm dụng đó không hẳn là không tốt, phụ thuộc vào căn nguyên thật sự của nó.