Chính sách tiền tệ và định hướng điều hành?
Hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam có một năm 2018 thành công. Các giải pháp chính sách tiền tệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần kiểm soát hiệu quả lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2018 tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017; Huy động vốn ngoại tệ tăng gấp 8 lần năm 2017; Lãi suất được duy trì ổn định... Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp trọng tâm nhằm điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, góp phần cùng các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Trong năm 2018, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô (KTVM) khác kiểm soát hiệu quả lạm phát, ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể:
Một là, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ (TTTT), ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% (là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%. Đây là mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.
Hai là, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế tăng. Theo đó, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến KTVM và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động. Mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Ba là, trong năm qua điều hành tăng trưởng tín dụng (TTTD) phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, gắn liền với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động an toàn.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, tính đến cuối năm 2018, tín dụng tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Bốn là, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong năm 2018, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo, các giao dịch diễn ra thông suốt, nhu cầu mua – bán ngoại tệ phợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định và dao động ở biên độ hẹp trong bối cảnh giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp.
Năm là, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Sáu là, trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng đã chủ động ứng dụng các thành tựu Cách mạng công nghệ 4.0, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Thanh toán qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả tích cực, đến nay, cả nước có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (DVTT) triển khai DVTT qua internet và 41 tổ chức cung ứng DVTT qua điện thoại di động. Trong 9 tháng đầu năm 2018, số giao dịch tài chính qua internet tăng tương ứng 33,03% và 18,34% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 29,74% và 125,85% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động.
Trong năm 2018, NHNN cũng đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở để các TCTD, tổ chức thanh toán trung gian áp dụng nhằm tăng cường an toàn, bảo mật và tiện ích cho khách hàng trong thanh toán. Ngoài ra, với việc phối hợp sản xuất các chương trình truyền hình, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”… NHNN cũng đã góp phần nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính (DVTC) ngân hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm DVTC ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM.
Bảy là, việc đảm bảo, an toàn, thông suốt các giao dịch ATM và hệ thống thanh toán, đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm đã được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo các NHTM về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, điều chuyển tiền từ Trung ương đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm nâng cao dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2019…
Duy trì tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14%
Trên cơ sở các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ và đánh giá KTVM, tiền tệ trong năm 2019, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định TTTT và ngoại hối. Năm 2019, NHNN tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bám sát diễn biến KTVM, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định TTTT và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản các TCTD ở mức hợp lý để hỗ trợ TTTT, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến TTTT và mục tiêu CSTT; Tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, kết hợp đồng bộ các CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Thứ hai, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; Thông báo chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng TTTD lành mạnh. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu TTTD ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng của; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng; Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Thứ ba, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả; Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước; Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào VND, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và KTVM.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong quản lý và điều hành KTVM trên cơ sở bám sát diễn biến KTVM, lạm phát nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Thứ năm, trong công tác tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam trong xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…
Thứ sáu, trong hoạt động thanh toán, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu sử dụng thanh toán của người dân; Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như: Điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018; Đẩy mạnh thanh toán qua thẻ, POS (thiết bị chấp nhận thẻ); Áp dụng công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như: mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ…
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng Nhà nước (2018), Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018;
- Quốc hội (2014), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu;
- Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020;
- Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn;
- Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 về triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 về triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.