Cà Mau công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư


Ngày 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga. Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga. Ảnh: VGP

Tốc độ GRDP bình quân của Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 (có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành). Căn cứ quy định tại Điều 38 và khoản 4 Điều 39 Luật Quy hoạch, UBND tỉnh triển khai Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023, mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%.

GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 30 - 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân trên 7%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2030 bình quân tăng 12 - 15%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 36%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2050: Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng vợi biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảo.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển: Chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Trong chương trình, tỉnh Cà Mau đã giới thiệu về tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào tỉnh; công bố Quyết định phê duyệt và báo cáo các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Cà Mau; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn tỉnh…; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các bộ ngành, tỉnh Cà Mau và các nhà đầu tư, doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Cà Mau trong thời gian tới.

Hội nghị là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm, quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy phải đột phá, tầm nhìn phải chiến lược và có tính ổn định, lâu dài; tích hợp, kết nối quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Thủ tướng hoan nghênh Cà Mau khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết nối với quy hoạch vùng ĐBSCL - quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được phê duyệt.

Đến nay, đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt các quy hoạch còn lại chậm nhất trong nửa đẩu năm 2024, triển khai tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch với việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc và điều chỉnh quy hoạch phù hợp tình hình song cần hạn chế tối đa ảnh hưởng tới tổng thể chung.

Trong bối cảnh chung của cả nước, Cà Mau phải tiếp tục cùng với cả nước, kiên trì, kiên định, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, không ỷ lại.

Phân tích những điểm đặc sắc về thiên nhiên (vùng sông nước với rừng, biển đặc trưng, trù phú), con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của ĐBSCL, Thủ tướng cũng nêu rõ, khu vực đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn, khó khăn về giao thông và nguồn nhân lực.

Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã nhận diện những khó khăn, thách thức này và đề ra, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững khu vực ĐBSCL, nhất là triển khai 3 đột phá về hạ tầng, thể chế, nhân lực.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng. Gần đây nhất, chúng ta đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn trong vùng đang được triển khai, gồm các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc.

Với Cà Mau, Thủ tướng cho biết có nhiều điểm tương đồng với vùng, nhưng cũng có nhiều khác biệt, như là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, 3 mặt giáp biển. Đây là một điểm khác biệt, là thương hiệu của Cà Mau cần khai thác.

Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau", Thủ tướng cho rằng mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến Cà Mau.

Cùng với đó, tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối); phát triển ngành tôm, nuôi trồng và chế biến hải sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; phát triển công nghiệp hóa chất, phân bón…

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, song cần triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần tập trung triển khai đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga.

Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề; chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; huy động đa dạng các nguồn lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng…

Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã vì tình cảm với Cà Mau, với ĐBSCL mà tới đây đầu tư, đề nghị cần tực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", góp phần tạo việc làm, sinh kế, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội, góp phần để người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cho rằng, đầu tư vào những vùng đất khó khăn thì phải kiên trì, nhưng nhất định sẽ thành công, nhất định sẽ được đền đáp, bởi đây là vùng đất hiền hòa, nhân dân cần cù, kiên cường, sáng tạo.

Thủ tướng tin rằng, sau hội nghị, Cà Mau sẽ có bước phát triển đột phá với quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức, đủ bản lĩnh đi lên bằng sức mạnh nội sinh.

Theo An Nhi/kinhtevadubao.vn