Cà Mau: Điểm danh chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào
Như Tạp chí Kinh tế- Tài chính đã thông tin, vừa qua, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh này. Theo đó có nhiều chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại yêu cầu làm rõ những khó khăn, cần tháo gỡ ngay đối với các chủ đầu tư này. Đồng thời UBND tỉnh Cà Mau cũng ra “tối hậu thư”: Đến cuối năm, chủ đầu tư nào để tỷ lệ giải ngân không đạt từ mức 80% trở lên sẽ bị kỷ luật.
Theo Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 3.100 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch. Trong đó, 24 chủ đầu tư giải ngân trên mức trung bình; 17 đơn vị dưới mức trung bình, đặc biệt còn 5 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.
5 đơn vị chưa giải ngân, gồm: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bệnh viện Quân dân y Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.
Ngoài ra, còn một số đơn vị giải ngân nhưng đạt rất thấp, như: Sở Khoa học và Công nghệ chỉ giải ngân được 26 triệu đồng; Ban Quản lý Khu Kinh tế giải ngân được 380 triệu đồng trong tổng nguồn 22 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Môi trường đạt tỷ lệ giải ngân 1,7% trong tổng nguồn vốn hơn 81 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị có nguồn đầu tư lớn, có thể kể đến Ban Quản lý công trình xây dựng, với tổng nguồn năm 2025 là trên 2.800 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được trên 411 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bạc Liêu có tổng nguồn trên 1.400 tỷ đồng, giải ngân chỉ được trên 70 tỷ đồng;
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bạc Liêu có tổng nguồn trên 1.000 tỷ đồng, giải ngân được trên 126 tỷ đồng…
Theo UBND tỉnh Cà Mau, giải ngân chậm đã dẫn đến một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh bị chậm tiến độ như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh và một số dự án do vướng công tác giải phóng mặt bằng;
Dự án kè bờ sông TP. Bạc Liêu (cũ); Dự án kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; Dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông cấp bách chống biến đổi khí hậu tỉnh Bạc Liêu (cũ),…
Nói về các dự án trên, ông Nguyễn Minh Nhẫn, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết, kế hoạch vốn còn lại của dự án này trong năm nay trên 2.200 tỷ đồng, sẽ khó đảm bảo giải ngân theo kế hoạch. Hiện có 2 gói thầu lớn, trong đó gói thầu thiết bị y tế trên 900 tỷ đồng chưa mời thầu.
Đối với 3 dự án lớn mà Ban Quản lý dự án công trình giao thông Bạc Liêu đảm nhận và đang chậm tiến độ (cầu Hoà Bình 2 và 2 tuyến vành đai trong, vành đai ngoài TP. Bạc Liêu trước đây, có nguồn đầu tư 941 tỷ đồng), đại diện chủ đầu tư cho biết, do đến nay chưa ban hành bảng giá đất tại khu vực nên dự án khó triển khai.
Được biết, Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau sau hợp nhất đã quyết nghị tốc độ tăng trưởng năm 2025 đạt 8,5%. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công là một trong nhiều yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng.