Hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 14E qua tỉnh Quảng Nam trong năm 2025
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km 89+700, tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài tuyến là 71,17 km, tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu xây lắp.

Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, về công tác giải phóng mặt bằng, Dự án đã được bàn giao 67,95/71,17km (đạt 95,19%). Tuy nhiên, nhiều vị trí mặt bằng bàn giao không liên tục, một số đoạn còn vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, nước, viễn thông.
Đặc biệt, đoạn cầu vượt đường sắt từ Km15+270 - Km15+820 hiện vẫn là điểm nghẽn về mặt bằng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ tổng thể Dự án.
Về thi công, các nhà thầu đã triển khai đắp nền K98 được 74,59%, thi công lớp móng cấp phối đá dăm được trên 71%. Tuy nhiên, lớp bê tông nhựa mới đạt khoảng 36,78%.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đi qua địa bàn 7 xã thuộc tỉnh Quảng Nam, quy mô đường cấp 4 và một số đoạn cấp 3 đồng bằng. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng Tây Quảng Nam.
Dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2025.
Hạng mục cầu đạt tiến độ khả quan với 11/13 cầu mới và 14/18 cầu sửa chữa đã cơ bản hoàn thành.
Đến nay, giá trị sản lượng thi công mới đạt gần 59%, chậm khoảng 10% so với kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, tiến độ Dự án đến thời điểm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
“Nếu không có giải pháp mạnh và hành động quyết liệt, nguy cơ chậm tiến độ toàn tuyến là rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh mùa mưa đến sớm và kéo dài bất thường như năm nay”, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái nhấn mạnh.
Do đó, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu đơn vị thi công (Ban Quản lý Dự án 4) tiếp tục đôn đốc, bám sát chính quyền các cấp, để tháo gỡ dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước ngày 30/8.
Riêng với phạm vi cầu vượt đường sắt, Cục trưởng yêu cầu phải hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước 30/7.
Đối với các nhà thầu, Cục trưởng Bùi Quang Thái yêu cầu phải rà soát lại năng lực thực tế, ký cam kết tiến độ mới và tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, huy động tối đa nguồn lực.
Các nhà thầu có biểu hiện chậm, yếu về tài chính cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhưng cũng cần có chế tài nghiêm khắc nếu không đảm bảo yêu cầu.
Cục trưởng cũng lưu ý các đơn vị tư vấn, giám sát cần tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu, quy trình thi công, không để xảy ra tình trạng “chạy tiến độ mà bỏ quên chất lượng”; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động trong mùa mưa lũ, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc trên công trường.